DetailController

Kinh tế

Bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống

30/07/2024 15:14
Hòa Bình là tỉnh có thế mạnh về các nghề thủ công mỹ nghệ, sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, thêu , tỉnh cũng có nhiều làng nghề có lịch sử hàng trăm năm. Từ xưa tới nay, việc phát triển làng nghề truyền thống đóng vai trò là nhân tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp bảo vệ những nét giá trị văn hoá của địa phương vừa tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Sản phẩm dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu tham gia trưng bày

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, có 02 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản phẩm chế biến (02 Làng nghề nấu rượu); 07 làng nghề truyền thống thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may, thêu ren, đan lát (gồm 01 làng nghề truyền thống mây tre đan và 6 làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm); 02 làng nghề trong nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (01 làng nghề chế tác đá cảnh, 01 làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh).

Hiện nay các làng nghề, làng nghề truyền thống phát triển dưới 3 hình thức: Hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, Doanh nghiệp, chủ cơ sở (có 5 Hợp tác xã, 2 tổ hợp tác, 01 doanh nghiệp, còn lại là các chủ cơ sở và các hộ gia đình tham gia làm nghề). Tổng số lao động của làng nghề 1.300 người, trong đó lao động thường xuyên là 823 người, thu nhập bình quân của người lao động dao động từ 3 - 5 triệu đồng/lao động/tháng. Có 05 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP: 03 sản phẩm của làng nghề dệt thổ cẩm, 02 sản phẩm của làng nghề nấu rượu. Có 02 làng nghề có sản phẩm đăng ký thương hiệu: làng nghề nấu rượu Mai Hạ, làng nghề nấu rượu Làng Đình.

Các làng nghề tỉnh Hòa Bình trong thời gian gần đây đã và đang dần khôi phục, phát triển như nghề: nuôi ong, dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, chế tác đá, gỗ lũa, chế biến các món ăn dân tộc, chế biến nông, lâm, thủy sản. Việc khôi phục lại các ngành nghề, làng nghề đi kèm theo là khôi phục, xây dựng và hình thành các tổ hợp tác, các HTX đã giải quyết được nhiều việc làm. Mặt khác việc phát triển làng nghề đã giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Trong quá trình khôi phục, đầu tư, thúc đẩy phát triển làng nghề theo cơ chế, chính sách của nhà nước, của tỉnh, thời gian qua các làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nghề chế biến nông sản, thực phẩm của tỉnh đã từng bước phát triển.

Thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2023; Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai về các địa phương chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tổ chức rà soát, khôi phục, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống. Một số cán bộ chuyên môn phụ trách chưa nghiêm túc nghiên cứu các văn bản của hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về chính sách phát triển nghề truyền thống. Số cơ sở ngành nghề, làng nghề còn ít quy mô hoạt động nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, nên chưa thực sự thu hút lao động lao động địa phương. Việc tiêu thụ sản phẩm thông qua các hợp đồng còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp hoạt động bao tiêu các sản phẩm liên kết với làng nghề, đã ảnh hướng rất lớn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hạ tầng kỹ thuật đầu tư cho sản phẩm còn lạc hậu. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, thu hút…Do vậy thời gian tới rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các địa phương để phát triển các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Đưa hoạt động của các làng nghề theo hướng phát triển bền vững; triển khai xây dựng các sản phẩm các làng nghề đạt tiêu chuẩn OCOP; tổ chức và hình thành phát triển các cơ sở làng nghề tại các địa phương. Tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn hướng đến nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn trong giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, gắn việc phát triển làng nghề với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa – sinh thái. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, khu chế tác, hỗ trợ cải tiến mẫu mã bao bì, tăng cường công tác đào tạo, quảng bá để các sản phẩm làng nghề đứng vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.