Theo đó, Quy chế này quy định trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bồi thường Nhà nước theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức có mối quan hệ phối hợp liên ngành được quy định trong Quy chế này bao gồm: Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Các cơ quan thuộc Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo quy định pháp luật.
Nguyên tắc phối hợp: Đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, tôn trọng nguyên tắc thứ bậc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xác định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo giải quyết vụ việc thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng pháp luật. Việc phối hợp hoạt động trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức và quy định của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động của cơ quan, tổ chức và ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân.
Nội dung phối hợp, cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước, cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện: Xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường Nhà nước. Bố trí công chức đầu mối phụ trách công tác bồi thường Nhà nước. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ công chức được giao thực hiện công tác bồi thường Nhà nước. Xác định cơ quan giải quyết bồi thường của Nhà nước. Hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường. Theo dõi, đôn đốc thực hiện công tác bồi thường Nhà nước. Tham gia xác minh thiệt hại, thương lượng việc bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Kiểm tra công tác bồi thường Nhà nước và hoạt động giải quyết bồi thường. Báo cáo, thống kê thực hiện công tác bồi thường Nhà nước tại địa phương. Hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc công tác bồi thường Nhà nước.
Hình thức phối hợp: Phối hợp bằng văn bản. Tổ chức các cuộc họp, hội nghị sơ, tổng kết. Tổ chức thành lập Đoàn kiểm tra, thanh tra, điều tra, khảo sát.
Hằng năm, Sở Tư pháp ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường Nhà nước định kỳ hoặc đột xuất. Khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bồi thường Nhà nước, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo đúng quy định. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các cơ quan thuộc Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương; Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra phối hợp Sở Tư pháp tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Uỷ ban nhân dân tỉnh giao các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan thuộc Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung Quy chế này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức kịp thời phản ánh bằng văn bản về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết. Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu có nội dung chưa phù hợp hoặc mới phát sinh, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành./.