Quy chế này quy định nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ trong hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh Hòa Bình (Ban Chỉ đạo 09 tỉnh). Quy chế này áp dụng đối với Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, Uỷ viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực, các Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo 09 tỉnh; các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh.
Nguyên tắc hoạt động và chế độ làm việc: Ban Chỉ đạo 09 tỉnh hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này. Thành viên Ban Chỉ đạo 09 tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của sở, ban, ngành, đoàn thể và sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo. Đảm bảo yêu cầu phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Phương thức hoạt động: Ban Chỉ đạo hoạt động theo quy định tại các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; các quy định và hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương về thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; gắn hoạt động của Ban Chỉ đạo 09 tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 09 tỉnh trong công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn toàn tỉnh.
Công an tỉnh là Cơ quan Thường trực (đặt tại Phòng Tham mưu) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người và công tác cai nghiện ma túy. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu thực hiện, triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS; công tác xác định tình trạng nghiện trong lập hồ sơ cai nghiện ma túy và tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại các cơ sở do ngành Y tế quản lý.
Hằng năm, giao Cơ quan Thường trực xây dựng kế hoạch, lịch, thành phần, nội dung kiểm tra về công tác tuyên truyền, vận động, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đối với Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố, trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành. Các thành viên được phân công là Trưởng Đoàn kiểm tra chủ động liên hệ Ban Chỉ đạo 09 các các huyện, thành phố thống nhất thời gian tiến hành kiểm tra, đồng thời gửi lịch và báo cáo kết quả kiểm tra với Trưởng Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tiến hành kiểm tra những nội dung chuyên đề riêng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi tổ chức kiểm tra những nội dung chuyên đề riêng đề nghị gửi lịch về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo trước thời gian tiến hành kiểm tra 05 ngày, gửi kết quả kiểm tra về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp, theo dõi.
Ban Chỉ đạo 09 tỉnh họp định kỳ sáu tháng, một năm và họp đột xuất theo quyết định của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo sẽ triệu tập họp đột xuất để kịp thời giải quyết công việc. Cơ quan Thường trực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan theo từng lĩnh vực để đề xuất, tổ chức các cuộc họp do Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. Thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo 09 tỉnh khi được triệu tập, mời họp; chuẩn bị nội dung họp khi có yêu cầu của Cơ quan Thường trực và theo chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban; trường hợp không tham dự được phải báo cáo xin ý kiến đồng chí chủ trì phiên họp đồng ý ủy quyền cho cán bộ dự họp thay và phải chịu trách nhiệm về ý kiến phát biểu của cán bộ được ủy quyền./.