Mâm cỗ lá truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình được thực hiện bởi 15 nghệ nhân ẩm thực tỉnh Hòa Bình, là sản phẩm độc đáo của Liên hoan ẩm thực và trình diễn nghề truyền thống tỉnh Hòa Bình năm 2019 vừa qua, nhằm giới thiệu cho du khách về ẩm thực truyền thống dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Chiếc mâm được tạo bởi 11 cây tre, được các nghệ nhân đan lát thi công bằng phương pháp chẻ nhỏ sau đó đan trong vòng 1 tuần, mâm cỗ có hình tròn, đường kính rộng 2,5 m. Mâm cỗ lá được lót bởi lá cây chuối rừng, được tạo bởi 22 món ăn độc đáo, dân dã và gia vị đặc trưng các món ẩm thực của mâm cỗ lá truyền thống của Hòa Bình. Xung quanh mâm cỗ lá được trang trí bằng bạt in họa tiết hoa văn trống đồng, hình ảnh mâm cỗ lá và một số ẩm thực đặc trưng của Hòa Bình. Nguyên liệu để thực hiện mâm cỗ lá được lựa chọn từ các địa phương trong tỉnh.
Bố cục trình bày trong mâm cỗ chia thành 6 phần theo hình tròn với tỷ lệ tương xứng các món ăn, thể hiện cho 6 dân tộc chính đang sinh sống ở tỉnh Hòa Bình. Ở giữa mâm cỗ bày món thịt nướng, được tẩm ướp gia vị lấy từ núi rừng Tây Bắc. Xung quanh món thịt nướng là món thịt lợn Mường sạch hấp. Tiếp đó bày các món như lòng lợn, nộm tai lợn, cá sông Đà nướng... Để thực hiện được mâm cỗ lá khổng lồ này, chủ nhân mâm cỗ phải chuẩn bị nguyên liệu thực phẩm từ nhiều ngày trước. Cá nướng, sôi ngũ sắc, rau sống... và cuối cùng là bánh được làm bằng gạo nếp, gói hình con ốc bằng lá chít (gọi là bánh ốc) bày ngoài cùng xung quanh mâm cỗ tạo nên màu sắc và sự đa dạng.
Giới thiệu về quy mô mâm cỗ lá, chị Nguyễn Thị Khánh Hương - đơn vị thực hiện mâm cỗ kỷ lục cho hay, để làm được mâm cỗ, kịp trưng bày trong ngày lễ, 30 người phải dậy sớm, làm từ 2h sáng đến 7h, hết khoảng 6 tiếng đồng hồ mới xong mâm cỗ đặc biệt này. Chị Hương tâm sự thêm, cỗ lá là món ăn truyền thống của người Mường ở Hòa Bình. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có mâm cỗ nào "lớn" như mâm cỗ này. Vì thế mâm cỗ đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Có thể khẳng định, không chỉ đơn giản là ẩm thực, “cỗ lá” của xứ Mường Hòa Bình còn chứa đựng trong đó cả một câu chuyện văn hóa, một lối ứng xử phép tắc rất tôn ti trật tự trên - dưới thông qua ẩm thực của người Mường. Ngày nay, ngoài mâm cỗ lá truyền thống ở những vùng Mường cổ thì mâm cỗ lá trong đời sống hiện đại đã có nhiều “cải biên” nhưng vẫn mang đậm sự tinh túy của ẩm thực Mường. Cỗ lá vẫn luôn tồn tại hàng ngày trong các bản làng của người Mường.
“Cỗ lá” là nét tinh túy trong ẩm thực của người Mường, nó chứa đựng ân tình của con người đối với đất, trời, rừng núi. Thưởng thức “cỗ lá”, không phải chỉ để cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với “muối hạt dổi” mà còn cảm nhận được tình cảm mộc mạc, chân thành của con người thông qua cách bày cỗ; cảm nhận được lễ giáo, văn hóa, phép tắc thông qua cách bày biện, trân trọng thức ăn trên mâm cỗ./.