Phân chia theo lĩnh vực hoạt động, hiện có 305 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, cung ứng các dịch vụ cho thành viên trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, một số HTX quản lý vận hành các công trình thuỷ lợi và nước sạch nông thôn. Dịch vụ HTX cung ứng chủ yếu là vật tư đầu vào cho sản xuất như giống, phân bón, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật; năng lực hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ cao, bao tiêu, chế biến sản phẩm cho thành viên còn hạn chế. Chưa có nhiều mô hình liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Sản phẩm của HTX chủ yếu là thực phẩm tươi sống hoặc nguyên liệu thô, thu hoạch theo thời vụ, tỷ lệ hao hỏng còn cao, phụ thuộc thị trường nên lợi nhuận chưa cao; Sản phẩm qua chế biến, có thương hiệu và giá trị chưa có nhiều. Hiện có 66 sản phẩm của 57 Hợp tác xã được công nhận đạt OCOP; 32% số HTX có sản phẩm được chứng nhận VietGap, Globalgap, đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hữu cơ. Tuy doanh thu lợi nhuận HTX còn hạn chế song đóng góp quan trọng đối với đảm bảo hiệu quả an sinh xã hội, đem lại nhiều lợi ích thông qua các dịch vụ cho cộng đồng thành viên và đời sống kinh tế nông thôn; góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng vật nuôi, trực tiếp góp phần vào tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp và nâng cao đời sống nhân dân; tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện xoá đói, giảm nghèo.
Được biết, luỹ kế tới nay toàn tỉnh hiện có 633 tổ chức kinh tế tập thể hoạt động. Các tổ chức kinh tế tập thể thu hút 16,212 nghìn thành viên và 28,629 nghìn người lao động (12,169 nghìn lao động thường xuyên; 16,010 nghìn lao động thời vụ) tham gia. Doanh thu bình quân ước đạt 1,14 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 170 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên đạt 4,0 triệu đồng/người/tháng. Tổng lợi nhuận của các tổ chức kinh tế tập thể đạt 80,33 tỷ đồng, chiếm 0,32% trong tổng giá trị tăng thêm (VA) và bằng 0,30% GRDP toàn tỉnh./.