Không đủ điều kiện chuyển vợ lên tuyến trên điều trị, anh Đinh Công Thực đành đưa vợ về nhà chăm sóc, chấp nhận số phận ngắn ngủi của vợ. Một mình anh vừa chăm sóc vợ, vừa lo cho con nhỏ. Trong lúc anh không còn chút hy vọng nào thì một điều kỳ diệu đã đến.
Chúng tôi đến xã Hào Lý, huyện Đà Bắc vào một ngày nắng đẹp, men theo con đường mòn, hai bên là những bãi mía xanh tươi tốt, nằm nép mình trong màu xanh đó là căn nhà hạnh phúc của cựu chiến Đinh Công Thực, người đã kiên trì tự tay chữa khỏi bệnh cho vợ trong suốt 10 năm.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 20 tuổi nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc chàng trai trẻ đang ở cái tuổi tràn đầy sức sống và lòng nhiệt huyết đem theo mối tình nồng thắm của cô gái cùng bản lên đường nhập ngũ. Những năm ở chiến trường mặc cho bom rơi, đạn nổ, nguy hiểm, ác liệt, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, nhưng vì tổ quốc, vì nhân dân anh luôn dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh. Tổ quốc thống nhất sau 30/4 hoàn thành nghĩa vụ anh trở về địa phương với nhiệm vụ mới tại trạm y tế xã Hào Lý, trong quá trình làm việc anh luôn là một y tá tận tâm, nhiệt tình, khi có người bị bệnh không kể thời gian, giờ giấc anh đều đến khám và chữa bệnh kịp thời, với những đức tính đó anh luôn được bà con trong bản quý mến. Khi có việc làm ổn định cũng là lúc tình yêu đã chín muồi, giữ đúng lời hứa lúc chia tay một đám cưới giản dị đã được tổ chức với những lời chúc tốt đẹp của bạn bè và gia đình. Hạnh phúc của hai vợ chồng trẻ đã được nhân lên gấp đôi khi anh chị sinh được một cháu trai bụ bẫm, kháu khỉnh, kết quả của những tháng năm chờ đợi tưởng rằng tương lai rạng ngời và phát triển thì đột nhiên vợ anh đổ bệnh bị cấm khẩu, liệt toàn thân. Lúc đó do gia đình không có phương tiện đi lại, anh Thực đã phải cõng vợ chạy bộ gần trục cây số đến bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc khi ấy là (trung tâm y tế huyện), đến nơi bệnh viện đã nhanh chóng chuyển vợ anh lên Bệnh viện đa khoa tỉnh và được các bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Anh Thực kể lại: Sau một thời gian nằm điều trị bệnh không thuyên giảm, bệnh viện đa khoa tỉnh quyết định cho vợ tôi chuyển lên tuyến trên, nhưng do gia đình không đủ điều kiện để tiếp tục điều trị, tôi đã đưa vợ về nhà tự chữa bệnh. Ngày nào tôi cũng phải truyền dịch, nấu cháo, pha sữa để bơm vào dạ dày cho vợ, đến tháng thứ 4 tôi mới bón được cho vợ những thìa cháo đầu tiên, công việc ấy đã kéo dài nhiều tháng, cho đến khi vợ tôi hoàn toàn bình phục mất 10 năm.
Việc chữa bệnh cho vợ chiếm quá nhiều thời gian anh Thực đã phải nghỉ công tác tại trạm y tế xã để ở nhà chăm sóc vợ, con và kết hợp chăn nuôi, trồng trọt. Công việc dường như quá sức tưởng tượng thế nhưng anh chưa một lần có ý định từ bỏ việc chữa bệnh cho vợ. Với ý chí, nghị lực và lòng quyết tâm của người lính cụ Hồ đã giúp anh làm nên điều kỳ diệu. Sau 10 chăm sóc, chữa trị vợ anh đã đi được, nói được và làm được những việc nhẹ nhàng trong gia đình. Giờ đây trong mắt vợ và con, anh Thực luôn là niềm tự hào, là chỗ dựa tin cậy cho cả gia đình. Trong niềm vui, xúc động chị Đinh Thị Ngọc vợ anh Thực tâm sự: Nhìn chồng vất vả chăm sóc 2 mẹ con, sức sống mãnh liệt trong tôi như trỗi dậy, tôi mong được khỏe mạnh, được ở bên chồng con để chia sẻ những vất vả cùng anh. Giờ đây sức khỏe của tôi đã khá hơn nhiều, có thể chăm sóc chồng con và làm những việc nhẹ nhàng.
Việc tự tay chữa khỏi bệnh cho vợ khiến bà con trong xóm ai cũng phải nể phục, thậm chí nhiều người có bệnh đều đến nhờ anh khám và chữa trị. Ông Xa Văn Binh trưởng thôn xóm Tân Tiến, xã Hào Lý là người trực tiếp chứng kiến, luôn quan tâm, động viên giúp đỡ gia đình anh Thực khi vợ anh bệnh nặng ông cho biết: Anh Thực là người có nghị lực phi thường, 10 năm liền kiên trì chữa bệnh cho vợ một căn bệnh rất nguy hiểm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cũng không ngại và cuối cùng trời cũng không phụ công người.
Khi đã chữa khỏi bệnh cho vợ, anh Thực bắt đầu chuyên tâm vào phát triển kinh tế gia đình. Bằng ý chí vươn lên và sự cần cù, chịu khó, tìm tòi học hỏi, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi trồng trọt đã giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo và có thu nhập khá. Hiện nay gia đình anh có một trang trại nuôi dê có hàng trục con, một đàn bò 10 con, gần 1 hamía, 4 ha keo, 2 ha luồng từ việc chăn nuôi trồng trọt mỗi năm cho thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng. Sau nhiều năm tích cóp anh đã xây được một căn nhà rộng 50m2 và mua sắm đầy đủ các tiện nghi phục vụ sinh hoạt.
Từ khói lửa chiến tranh trở về, trải qua hơn 20 năm gặp bao khó khăn gian khổ, nhưng với nghị lực của người lính cụ Hồ, sau 10 năm gian nan đi tìm phép màu cho vợ, anh Đinh Công Thực không những đã tự tay chữa khỏi bệnh cho vợ mà còn vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính quê hương mình. Với những cố gắng đó anh Thực luôn được hàng xóm ca ngợi, nhiều năm liền được bình chọn là gia đình văn hóa, anh luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.