Chất lượng các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, cấp xã, cấp thôn được nâng cao. Toàn tỉnh có thêm các đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm nhiều các xã nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp được kiện toàn và ngày càng chuyên nghiệp, góp phần thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc Ban chỉ đạo các cấp. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.
Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã và đang được thực hiện quyết liệt tại các địa phương, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá. Công tác tổ chức lại sản xuất, dồn điền đổi thửa, tăng cường hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp, nhiều hình thức liên kết sản xuất giữa các hộ dân với doanh nghiệp, vv... được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện đã góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Đến hết tháng 9/2022, tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới là 10/10, trong đó có 03 đơn vị cấp huyện đã được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm có: Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thủy đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 65/129 xã, trong đó có 4 xã đặc biệt khó khăn khu vực III thuộc Chương trình dân tộc thiểu số và Miền núi. Có 20 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 55 xã đạt từ 10-14 tiêu chí là. Không có xã đạt dưới 10 tiêu chí trên địa bàn toàn tỉnh. Các địa phương (xã, huyện) đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tiếp tục thực hiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao.
Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 9 tháng đầu năm 2022 khoảng 1.135,82 tỷ đồng, trong đó Ngân sách nhà nước: 453,82 tỷ đồng, Vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã: 232,2 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2022 phải công nhận ít nhất 6 xã nông thôn mới, tuy nhiên các huyện/thành phố đã đăng ký toàn tỉnh có 08 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 (kế hoạch phấn đấu đạt và vược kế hoạch 02 xã), dự kiến hết năm 2022 sẽ hoàn thành đạt và vượt kế hoạch giao về số xã đạt chuẩn nông thôn mới và bình quân tiêu chí các xã trên địa bàn tỉnh. Đối với chỉ tiêu giao về số sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, hiện đã có có 32 sản phẩm của 31 chủ thể (01 doanh nghiệp, 20 HTX, 04 tổ hợp tác và 06 hộ kinh doanh) đăng ký tham gia chu trình OCOP thường niên để đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. Dự kiến sẽ hoàn thành đạt và vượt kế hoạch giao.
Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hòa Bình năm 2022 đảm bảo triển khai Chương trình đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, từ nay đến hết năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 06 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân tiêu chí nông thôn mới của tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã. Chuẩn hoá từ 16 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên. Tiếp tục hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: Giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, tạo mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho Nhân dân./.