DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Đồng ruộng Kim Bôi hồi sinh sau cơn mưa “vàng”

21/07/2010 00:00

Thời tiết nắng nóng kỷ lục, khô hạn kéo dài trong mấy tháng qua, đặc biệt là đến thời vụ gieo trồng lúa mùa mà vẫn chưa có mưa khiến cho đồng ruộng trên địa bàn huyện Kim Bôi nứt nẻ, ngắc ngoải trong cơn khát. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra khi trong hai ngày 17 – 18/7 trời bỗng đổ mưa do ảnh hưởng của cơn bão số 1. Người nông dân gọi đây là cơn mưa “vàng” và đang chạy đua để hoàn thành kế hoạch cấy lúa mùa kịp thời vụ.

Tranh thủ có nước, bà con nhân dân xã Hạ Bì đẩy nhanh tiến độ cấy lúa vụ mùa

 

Ngày 19/7, ngay sau trận mưa lớn, chúng tôi có mặt trên đồng ruộng các xã dọc tuyến đường 12B như Đông Bắc, Vĩnh Tiến, Hạ Bì... Mặt trời đã xuống núi, bóng hoàng hôn nhuộm tím những thửa ruộng nhưng bà con nông dân vẫn hối hả cày, bừa, xúc mạ, cấy lúa. Tiếng máy nổ, cười nói râm ran làm rộn ràng xóm núi. Anh Bùi Văn Tấn xóm Đồng Nang, xã Đông Bắc vừa be bờ, vớt cỏ vừa trò chuyện: Chỉ cách đây 3 ngày, chân ruộng 60 mạ này còn nứt nẻ và là nơi chăn thả trâu, bò. Mạ đã gieo được hơn 1 tháng mà ông trời vẫn chưa cho nước để cấy. Hồ chứa nước của xóm thì cũng cạn trơ cống. Hơn 4.000 m2 diện tích của gia đình chưa cấy được tí nào. Vì vậy, cơn mưa vừa qua được mọi người dân gọi là cơn mưa vàng giải cứu cho đồng ruộng. Ngay trong đêm mưa, chúng tôi đã ra đồng đắp bờ tích nước để sáng sớm kịp cày, bừa. Gia đình huy động tất cả mọi thành viên cùng tích cực đẩy nhanh tiến độ cấy. Chỉ đến trưa mai nếu chị qua đây, chân ruộng này đã phủ màu xanh cây lúa. Niềm vui có mưa không chỉ đến với anh Tấn mà còn đến với những người nông dân ở các xã khác. Trên chân ruộng của gia đình chị Bùi Thị Tám ở xóm Chiềng 5, xã Vĩnh Đồng chúng tôi đếm được có 8 anh, chị em cùng thoăn thoắt đặt những dảnh mạ xuống bùn. “Khu Đồng Đa này mấy hôm trước cỏ cho trâu ăn cũng còn héo, nếu không mưa, gia đình dự tính trồng lạc thay thế. Cả xã được hỗ trợ 1 máy bơm, các xóm bơm cấy luân phiên nhưng con suối Mang tưới cho khu Đồng Đa cũng đã gần trơ đáy. Nhờ cơn mưa hôm 18/7, ruộng đã hết cơn khát, nước đầy ăm ắp. Tranh thủ có nước phải huy động mọi người cùng ra đồng dồn sức cấy cho kịp thời vụ.” - chị Tám cho biết.
 
Theo phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi, vụ mùa năm 2010, huyện có kế hoạch gieo cấy 3.600 ha lúa. Đến ngày 14/7, toàn huyện đã cấy được 2.771 ha, nhưng có 874 ha bị hạn, 733 ha đất chưa cấy rơi vào tình trạng nứt nẻ, rạn chân chim, 142 ha diện tích dự kiến chuyển sang trồng các cây màu khác. Trong đó, nặng nhất là các xã Nam Thượng 117 ha, Nuông Dăm và Cuối Hạ 120 ha, Sào Báy 106 ha, Đông Bắc 118 ha... Người dân các địa phương lo lắng như ngồi trên đống lửa. Do lượng nước đầu nguồn ít, các xã điều tiết nước chỉ đủ cấy, không đủ nước tưới dưỡng. Huyện chỉ đạo huy động mọi nhân lực, vật lực tập trung chống hạn như dùng máy bơm, khơi thông dòng chảy, kiểm tra đồng ruộng không để nước rò rỉ... Đồng thời, chỉ đạo gieo bổ sung các giống lúa ngắn ngày như MĐ25, MĐ1, CN2, Khang dân đột biến... để cấy thay thế mạ già, mạ ống. Khuyến cáo người dân chủ động dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng, tập kết phan bón... sẵn sàng bắt tay vào sản xuất khi có nước. “Mặc dù thời vụ cấy lúa mùa không còn nhiều, khuyến cáo của Sở NN&PTNT là cấy xong trong tháng 7, chậm nhất là 5/8, nhưng với phong trào cơ giới hoá, sự tập trung giúp đỡ lẫn nhau, cấy đổi công, tin rằng nhân dân trong huyện sẽ hoàn thành cấy lúa mùa kịp thời vụ. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay nhiều nơi mạ đã gieo bị già, thời gian kéo dài hơn 1 tháng, trên 5,5 lá, nhân dân cần cấy dày hơn so với bình thường 5 – 6 khóm/m2 và cấy 4 – 5 dảnh/khóm (đối với lúa thuần), 3 – 4 dảnh/khóm (đối với lúa lai). Lượng mưa trong hai ngày 17 – 18/7 trên địa bàn huyện không phải là nhiều, chỉ đạt xấp xỉ 100 mm, ngày 18 – 19/7 không có mưa, người dân cần trữ nước, tích cực kiểm tra đồng ruộng, chăm sóc tốt diện tích lúa đã cấy. Kịp thời phát hiện phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen.” – ông Bùi Văn Bộ, phó phòng NN&PTNT huyện Kim Bôi cho biết.
 
          Mặc dù đang hạn gặp cơn mưa “vàng” nhưng không ít người nông dân vẫn chưa hết lo lắng bởi tính bền vững của sản xuất nông nhgiệp, sự diễn biến bất thường của thời tiết. Theo ông Bùi Văn Bộ, để giảm bớt ảnh hưởng do thiên tai cần tạp trung sửa chữa, xây dựng các hồ, đập chứa nước; xây dựng các trạm bơm dọc tuyến sông Bôi; bảo vệ rừng để tạo nguồn nước.