Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 19/01/2021, tại thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, bệnh viêm da nổi cục trâu, bò làm 62 con bò mắc bệnh tại 28 hộ chăn nuôi, làm chết 02 con. Trước tình hình đó, Uỷ ban nhân dân huyện Tân Lạc đã công bố dịch bệnh tại thị trấn, báo cáo nhanh tình hình và công tác phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời huy động nguồn lực, nhân lực của địa phương để tổ chức chống dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y và Cục Thú y.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện Tân Lạc tổ chức phòng, chống dịch như: cấp phát vật tư và vắc xin chống dịch; tiêm phòng vắc xin chống dịch. Từ ngày 06/1đến ngày 09/1/2021 đã tiêm 2.000 liều/tổng đàn 2.100 con trâu, bò của thị trấn Mãn Đức; đến ngày 17/01 đã tiêm được 1.000 liều vắc xin cho trâu, bò xã giáp danh. Đã thực hiện phun thuốc sát trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi với tổng diện tích khoảng 600.000m2; rắc vôi bột chuồng gia súc bệnh, khu vực chăn nuôi và đường làng ngõ xóm…Đến nay về cơ bản, bệnh dịch đã được kiểm soát tốt, không để lây lan.
Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo triển khai một số biện pháp quản lý gia súc trong ổ dịch và sau tiêm phòng. Các hộ có gia súc bị bênh cách ly nghiêm ngặt gia súc bệnh trong vùng tiêm phòng, tuyệt đối không nhốt chung gia súc bị bệnh với gia súc không bị bệnh. Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn lập danh sách tất cả các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn; yêu cầu chủ gia súc phối hợp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của địa phương. Tổ chức theo dõi, giám sát, quản lý chặt toàn bộ số trâu, bò tại các thôn, xóm đã được tiêm vắc xin nhằm phát hiện sớm các phản ứng phụ. Không bán hay di chuyển trâu, bò đã được tiêm vắc xin đi nơi khác, không nhập thêm trâu bò mới vào đàn đã tiêm trong vòng ít nhất 21 ngày sau khi tiêm. Chăm sóc tốt đàn gia súc đã được tiêm vắc xin. Hằng ngày thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại; phun thuốc diệt các loại côn trùng hút máu như: ruồi, muỗi, ve, mòng…Thành lập đội kiểm soát lưu động kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào ổ dịch.
Tại buổi làm việc, huyện Tân Lạc cũng báo cáo làm rõ hơn về công tác phòng, chống dịch; tình hình đội ngũ cán bộ phụ trách công tác thú y tại địa phương; xác định nguyên nhân, nguồn gốc dịch bệnh; đề nghị tiếp tục hỗ trợ vắc xin tiêm phòng…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đánh giá công tác phòng, chống, xử lý trên địa bàn huyện đã được triển khai thực hiện tốt, kịp thời; đồng thời biểu dương tinh thần khẩn trương dập dịch của địa phương, khống chế thành công dịch. Thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi trong những tháng đầu năm có khả năng tăng cao do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do đó, đề nghị các huyện, thành phố chủ động chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn kiểm tra dịch bệnh; chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm soát tình hình, lập các chốt kiểm dịch; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhất là công tác phòng dịch, để người dân chủ động trong sản xuất chăn nuôi, áp dụng các biện pháp phòng bệnh, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, kỹ thuật chăn nuôi; hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Huyện Tân Lạc tiếp tục chủ động phòng, chống dịch với phương châm 4 tại chỗ để ứng phó, khống chế dịch bệnh trên địa bàn./.