DetailController

Tin từ các đơn vị

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Sở Công Thương

18/03/2021 00:00
Ngày 17/3, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Sở Công Thương về tình hình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Quản lý các KCN tỉnh; lãnh đạo Thành ủy Hòa Bình, Huyện ủy các huyện: Lương Sơn, Yên Thủy, Lạc Thủy.
Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Năm 2020 và quý I/2021, Sở Công Thương đã chủ động bám sát nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh, hướng dẫn của Bộ Công Thương, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành chỉ tiêu được giao theo kế hoạch. Chủ động triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngay sau khi nghỉ tết và thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Kịp thời xây dựng kịch bản và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virut Covid - 19 gây ra nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân cả trong thời điểm dịch bệnh diễn ra. Cụ thể, trong quý I năm 2021, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tháng Tết tăng khoảng 15-20% so với các tháng trong năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 10.965 tỷ đồng tăng 17,78% so với cùng kỳ, thực hiện 24,66% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 267,38 triệu USD, tăng 9,15% so với cùng kỳ, đạt 21,96% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 218,392 triệu USD,  tăng 7,85% so với cùng kỳ, đạt 22,28% kế hoạch năm.

Công tác quản lý nhà nước về công thương được chú trọng, kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp để ổn định sản xuất kinh doanh. Năm 2020, các doanh nghiệp và các cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ nộp ngân sách nhà nước khoảng 2.016 tỷ đồng chiếm 52,82% tổng thu nội địa của tỉnh.

Hiện nay, tỉnh quy hoạch 20 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất là 800,165 ha. Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp là 4.100,253 tỷ đồng. Có 05 cụm công nghiệp tại các huyện Lạc Thủy, Tân Lạc và Mai Châu đã đi vào hoạt động, thu hút 13 dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng diện tích đã cho thuê là 45.67 ha. Tổng số vốn đăng ký khoảng 623,14 tỷ đồng; tạo việc làm trên 700 lao động địa phương, trung bình tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 40,88%. Toàn tỉnh có 11 nhà máy thủy với tổng công suất là 1.957,25 MW; có 06 siêu thị, 03 Trung tâm thương mại hạng III và có hàng trăm cửa hàng tự chọn tiện lợi. 95 chợ...

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá: Phát triển công nghiệp nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa có ngành công nghiệp chủ lực đóng vai trò dẫn dắt và có sức cạnh tranh cao; cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn thiện; chưa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông sản của tỉnh; hầu như chưa có chính sách ưu đãi (thuế, đất đai, tín dụng...) cho ngành phân phối bán lẻ nói riêng và cho hệ thống hạ tầng thương mại nói chung… Đồng thời làm rõ hơn những khó khăn trong thực hiện các mục tiêu theo kế hoạch, Nghị quyết đề ra; trong công tác giải phóng mặt bằng; kêu gọi thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...Lãnh đạo Sở Công Thương kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo, quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch CCN tỉnh Hòa Bình đến năm 2025; đề nghị cân đối tăng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại; sớm bố trí nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định vai trò, tầm quan trọng của ngành Công Thương đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong thời gian tới, nhiệm vụ của ngành Công Thương cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: nâng cao chất lượng quy hoạch, có tầm nhìn ( các quy hoạch khu, cụm công nghiệp; lưới điện; thương mại); chú trọng phát triển công nghiệp sạch, theo hướng công nghiệp - dịch vụ - đô thị; lựa chọn các nhà đầu tư lớn có đủ năng lực để đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại, du lịch, cơ sở nghiên cứu; phải biết tận dụng các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương đồng thời phải nắm bắt cơ hội, xu thế, cải thiện môi trường sống, tăng cường kết nối, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Trong thương mại, mục tiêu là hướng đến thị trường thủ đô Hà Nội do đó cần thường xuyên tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại. Trong hoạt động xuất khẩu, chú trọng xây dựng thương hiệu cho tỉnh Hòa Bình ra thị trường quốc tế. Ngành Công Thương phối hợp với Điện lực tính toán nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất làm cơ sở để nghiên cứu phương án, xây dựng hạ tầng điện đảm bảo không để thiếu điện phục vụ cho nhân dân. Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư cũng đề nghị Sở Công Thương quan tâm đến công tác cán bộ, tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra./.