KCN Thanh Hà, Lạc Thịnh được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích quy hoạch là 502,14 ha (KCN Thanh Hà 282,14 ha, KCN Lạc Thịnh 220 ha). Trong đó diện tích công nghiệp theo quy hoạch là 294,95 ha, diện tích đã có các nhà đầu tư thứ cấp đăng ký thực hiện dự án đến nay khoảng 7 ha tại KCN Thanh Hà, tương ứng với 2,37% tổng diện tích đất công nghiệp đã được quy hoạch. Tính đến tháng 7/2020, tại KCN Thanh Hà có 02 dự án thứ cấp. Cả 2 KCN đều chưa có nhà đầu tư thực hiện xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Hiện nay 2 KCN đã đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình thiết yếu bao gồm: Lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, cắm mốc ranh giới đối với KCN Thanh Hà; lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, rà phá bom mìn vật liệu nổ, đường điện và trạm biến áp 35kVA, giải phóng mặt bằng...với tổng vốn đầu tư từ ngân sách là 160,717 tỷ đồng.
Tuy nhiên hiện nay KCN Thanh Hà chưa có hạ tầng kỹ thuật nên rất khó khăn trong công tác thu hút đầu tư. Hiện nay KCN Lạc Thịnh đã có nhà đầu tư đang nghiên cứu khảo sát đề xuất dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng của KCN và có một số nhà đầu tư có tìm hiểu, nghiên cứu để đầu tư dự án thứ cấp vào KCN. Tuy nhiên do chưa giải quyết dứt điểm được các yếu tố liên quan đến tài sản trên đất đối với nhà đầu tư cũ (Tập đoàn BTG) nên chưa thể triển khai được các thủ tục tiếp theo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hòa Bình là địa phương có điều kiện để phát triển công nghiệp với những lợi thế nhất định như tiệm cận thủ đô, giao thông kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên thời gian qua phát triển công nghiệp còn chậm, rất lãng phí tài nguyên đất đai. Căn cứ vào mục tiêu tới năm 2025 Hòa Bình trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình của cả nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng muốn vậy cần phải có quyết tâm lớn để phát triển công nghiệp, kéo nền kinh tế chung đi lên. Việc phát triển công nghiệp cũng sẽ giúp phân bố lại bản đồ lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp.
Căn cứ vào hiện trạng 2 KCN, đồng chí Bí thư giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành nghiên cứu, tham mưu, đề xuất rút KCN Thanh Hà khỏi quy hoạch KCN của tỉnh, trên cơ sở đó bổ sung hình thành cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Đối với KCN Lạc Thịnh (huyện Yên Thủy) tiếp tục nghiên cứu mở rộng, gắn với việc phải sắp xếp lại các khu dân cư. Trên cơ sở đó có hướng mở rộng KCN Lạc Thịnh với tổng diện tích không dưới 500 ha; cần sắp xếp lại quy hoạch hiện tại về đường điện, nước, giao thông... Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu xem xét thu hồi đất dự án của nhà đầu tư Tập đoàn BTG, cùng với diện tích đất đã GPMB sẵn có của tỉnh để mở rộng KCN Lạc Thịnh./.