Đến xã Toàn Sơn vào dịp giáp Tết Nguyên đán, ta bắt gặp không khí đón Tết của người dân tộc nơi đây tưng bừng bởi tiếng kèn, trống, thanh la, não bạt và tiếng hò hét vui nhộn, vang vọng bản làng. Hàng năm cứ vào dịp tháng Chạp, trước Tết Nguyên đán vài ngày là người Dao nơi đây dù làm ăn ở đâu xa cũng phải về để “hậu tạ” tổ tiên và chuẩn bị làm lễ “hứa” đầu năm mới. Theo thầy mo Triệu Duyên Tiến, xóm Rãnh, xã Toàn Sơn cho biết: Tết nhảy là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên của người Dao. Có nhiều dị bản về nguồn gốc của Tết nhảy nhưng nhìn chung đều thống nhất về nội dung cơ bản sau: Trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng các họ Dao bị đe dọa. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Hầu hết các họ Dao hứa làm Tết nhảy. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau theo lời hứa, các họ người Dao tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên nhưng tuỳ lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết nhảy của các họ khác nhau, thường từ 10 - 15 năm/lần. Mục đích của Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển năm xưa; luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khoẻ, ngày càng làm ăn phát đạt.
Tham dự Tết nhảy tại gia đình ông Dương Chí An, xóm Rãnh xã Toàn Sơn, Đà Bắc mới thấy hết được nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Dao nơi đây. Để chuẩn bị cho lễ Tết Nhảy thật chu đáo, vẹn toàn, gia đình ông Dương Chí An đã rất cẩn thận, kỹ lưỡng từ việc quét dọn và trang trí bàn thờ, các loại lễ cụ, tranh thờ, lương thực, thực phẩm cần thiết. Bàn thờ thường được trang trí bằng vải đỏ. Một trong những lễ cụ không thể thiếu là tượng gỗ, lá cờ, dao, rìu hay một số công cụ lao động mà tổ tiên họ đã từng dùng. Tất cả công cụ này đều được làm tượng trưng bằng gỗ và trang trí hoa văn tượng trưng.
Vào ngày giờ đã định, thầy Mo được mời bắt đầu lập đàn cúng. Sau phép tẩy uế, thầy Mo thực hiện nghi lễ mở và treo các bộ tranh thiêng (cờ), bày biện các lễ vật thờ cúng, làm lễ khấn xin được làm Tết nhảy và kính mời các thần linh, gia tiên về dự lễ. Lễ này được thực hiện bằng các điệu múa mời như đưa đường, bắc cầu để đưa đón thần linh, tổ tiên về ăn tết. Sau đó, 2 thầy Mo sẽ đọc bài cúng tế tỉnh cầu các cụ với nội dung là thông báo về ý nghĩa của lễ Tết Nhảy năm nay. Phần chính lễ sẽ có các điệu múa cầu an may mắn; mùa rùa; mùa mừng xuân; múa ra quân với nhịp điệu vui tươi, nhộn nhịp. Mỗi điệu múa sẽ được lặp đi lặp lại 2 - 3 lần. Sau các nghi lễ trên, mọi người bắt đầu làm cỗ cúng tạ ơn các thần linh, thổ địa, mong các thần phù hộ cho gia đình, dòng họ thôn bản sang năm mới được mạnh khỏe, bình an, mùa màng tốt tươi. Cuối cùng, các thầy mo làm điệu múa cờ tiễn đưa hương hồn tổ tiên về với quê cha đất tổ. Trong 3 ngày diễn ra nghi lễ, gia đình gia chủ luôn rộn rã tiếng nhạc cụ, tiếng hát của người thực hiện và tiếng nói của người tham dự; tiệc rượu được tổ chức đan xen.
Mỗi điệu nhảy đều tuân thủ chặt chẽ theo truyền thống, các động tác múa được thực hiện chính xác, liên tục, khéo léo và tinh tế, được biểu diễn lặp đi lặp lại nhiều lần cùng với diễn xướng hát những bài hát cổ xưa với nội dung kể về nguồn gốc dân tộc Dao, quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái trong từng gia đình. Tết Nhảy không chỉ thuần túy là một phong tục mà còn hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo. Từ trang phục nghi lễ, các điệu nhảy, lời ca truyền thống, các bài cúng chữ Dao…mỗi lần tổ chức là một lần người Dao trao truyền cho con cháu giữ gìn hồn thiêng của dân tộc mình.
Khi chúng tôi chào về, Toàn Sơn trời dần xẩm tối, âm thanh của Tết nhảy vang rộn rã khắp núi rừng. Hai bên đường, hoa đào, hoa mận khoe sắc tỏa hương và những nếp nhà với ánh lửa hồng thấp thoáng báo hiệu mùa Xuân yên vui, no đủ với đồng bào các dân tộc thiểu số Hòa Bình đang đến thật gần./.