DetailController

Thời sự trong ngày

Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn

28/10/2021 00:00
Xác định việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn có vị trí quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh Hòa Bình đã tập trung các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại; củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

Hiện nay, tỉnh Hoà Bình có 86 trang trại, giảm 90 trang trại so với 31/12/2019. Trong đó có 28 trang trại trồng trọt, chiếm tỷ lệ 31%; 29 trang trại chăn nuôi chiếm 33%; 01 trang trại lâm nghiệp chiếm 1%; 02 trang trại nuôi thủy sản chiếm tỷ lệ 2% và 26 trang trại tổng hợp chiếm 33%). Hoạt động của các trang trại đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo tại địa phương, khẳng định được vị trí quan trọng trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo tại một số địa phương.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 311 Hợp tác xã nông nghiệp (53 HTX Nông nghiệp, 03 HTX lâm nghiệp, 23 HTX chăn nuôi, 6 HTX thủy sản, 4 HTX nước sạch và 194 HTX tổng hợp). Tổng số thành viên trong các HTX là 4.428 thành viên. Vốn điều lệ của các hợp tác xã không nhiều trung bình từ 400 – 500 triệu đồng/HTX, song tổng giá trị về tài sản, đất sản xuất (sở hữu của thành viên) do hợp tác xã quản lý rất lớn. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã không ngừng nâng lên, doanh thu bình quân 1 hợp tác xã đạt 1.963,4 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 1 hợp tác xã đạt 191 triệu đồng, thu nhập bình quân 1 lao động thường xuyên đạt 53 triệu đồng/người/năm.

Việc thực hiện kiện toàn các HTX theo mô hình HTX kiểu mới đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, nhiều mô hình liên kết theo hướng cánh đồng lớn, mô hình chuyển đổi, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... trong sản xuất nông nghiệp được hình thành và phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững, đã tạo ra những kết quả phát triển của ngành trong thời gian qua như: Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại Lạc Sơn, Lạc Thủy; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột Nhật, mía nguyên liệu, Cà gai leo, Bí xanh, ngô ngọt, đậu rau,... tại Yên Thủy, Lạc Sơn,  Kim Bôi; liên kết sản xuất hạt giống mướp đắng, bí xanh tại Đú Sáng - Kim Bôi, Độc Lập - Kỳ Sơn; mô hình trồng rau an toàn áp dụng công nghệ cao tại huyện Kỳ Sơn; mô hình liên nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn; mô hình liên kết 50/50 trong sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, ATTP tại Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc; mô hình sản xuất gắn với sơ chế, bảo quản nông sản của Doanh nghiệp xuất cây ăn quả có múi tại huyện Cao Phong.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có tổng số 168 Tổ hợp tác (THT), tổng số thành viên THT là 3.675 thành viên; trong đó lao động thường xuyên đều là thành viên THT, các THT đều đã đăng ký hợp đồng hợp tác với Ủy ban nhân dân cấp xã. Thu nhập bình quân người lao động trong THT đạt khoảng 33 triệu đồng/ năm. Các hoạt động của THT tuy chưa đóng góp nhiều ngân sách nhà nước nhưng đã góp phần vào phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương và nâng cao thu nhập cho nông dân và người lao động trong nông nghiệp, nông thôn.

Từ kết quả đã đạt được, cho thấy kinh tế hợp tác giúp nhau cùng phát triển là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế. Các hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy được vai trò của mình trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và đặc biệt là đã thực hiện vai trò trong việc liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu vào, đầu ra ổn định cho nông dân. Đã có những mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, ứng dụng khoa học, công nghệ và các sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các hợp tác xã nông nghiệp đã thực sự phát huy vai trò, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tích cực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, tập trung hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới về thu nhập, hộ nghèo, hạ tầng thủy lợi, tổ chức sản xuất.