Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị đã hướng mạnh về cơ sở, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để kịp thời tham mưu, giải quyết những khó khăn,vướng mắc ngay từ cơ sở; việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của Nhân dân được các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện đúng quy định; trong 5 năm, toàn tỉnh đã tổ chức tiếp trên 10 nghìn lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận, phân loại và xử lý trên 8 nghìn đơn thư các loại; củng cố, kiện toàn và duy trì trên 1.200 tổ hòa giải với 9.155 hòa giải viên, góp phần phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, giải quyết các tranh chấp ngay từ cơ sở, giữ gìn đoàn kết thôn xóm và an ninh trật tự trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tăng cường phối hợp triển khai thực hiện công tác dân tộc, kịp thời rà soát, kiến nghị sửa đổi những bất cập trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, hỗ trợ thôn, xã đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng, bổ sung hương ước, quy ước, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được coi trọng; chính quyền các cấp đã duy trì và thực hiện tốt chế độ một cửa, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại trụ sở, đến nay 100% xã, phường, thị trấn đã rà soát, bổ sung Quy chế dân chủ trong hoạt động của Ủy ban nhân dân trên tất cả các lĩnh vực; 100% thôn, xóm, bản, tổ dân phố đã sửa đổi, bổ sung quy ước, hương ước được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.
Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, lực lượng cốt cán trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, lựa chọn, công nhận 1.633 người có uy tín trên địa bàn tỉnh; hàng năm tổ chức gặp mặt, động viên, thăm hỏi và phát huy vai trò gương mẫu của người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước,... Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm, củng cố và sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ; ban hành chính sách thu hút, chế độ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của địa phương, đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số.
Có thể thấy, 5 năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh đã từng bước ổn định và phát triển; việc đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tăng cường, đã phát huy hiệu quả và làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi của tỉnh, kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi từng bước được hoàn thiện, thúc đẩy; đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,8% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia, 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 100% xã có trạm y tế đủ điều kiện khám và chăm sóc sức khỏe nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3 - 4%; thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 33,66 triệu đồng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện, niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên; công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị được quan tâm củng cố./.