Bình quân mỗi năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới trên 15.000 học viên. Trong số các học viên tuyển mới hằng năm có hơn 80% là lực lượng thanh niên trong đó có thanh niên nông thôn. Tổng số lao động qua đào tạo trong những năm qua (2010 - 2021) là 181.347 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 22,8% (năm 2012) lên 57,5% (năm 2021). Trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 16.000 lao động.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các cơ sở dạy nghề coi trọng việc biên soạn bổ sung vào tài liệu, chương trình giảng dạy những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, của thị trường lao động nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề và tăng cơ hội có việc làm cho người lao động. Đối với trình độ Trung cấp, Cao đẳng tập trung đào tạo các nghề: Điện dân dụng, may công nghiệp, tin học, hàn, sửa chữa xe máy, sửa chữa máy nông nghiệp, điện công nghiệp, thợ nề, chổi chít, điện tử, cơ khí hàn. Đối với trình độ Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng gồm các nghề: Bảo vệ thực vật; chăn nuôi, gia súc gia cầm; kinh doanh thuốc thú y. Giai đoạn 2010-2016, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức biên soạn, điều chỉnh chương trình dạy nghề, số nghề, nhóm nghề đã được phê duyệt định mức hỗ trợ chi phí đào tạo là 30 nghề. Trong đó có 10 nghề nông nghiệp, 20 nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn từ giữa năm 2016 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tiếp tục xây dựng, biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Tổng số chương trình và giáo trình được điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới là 58 bộ; trong đó, nghề nông nghiệp là 32 bộ, nghề phi nông nghiệp là 26 bộ.
Phương pháp, hình thức dạy nghề được đổi mới theo hướng lấy người học là trung tâm; tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Chú trọng đánh giá kỹ năng nghề đảm bảo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo có khả năng thực hành nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng và thị trường lao động. Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều hình thức dạy nghề được thực hiện như dạy tập trung, dạy tại cơ sở sản xuất kinh doanh, liên kết giảng dạy.
Để đáp ứng nhu cầu người học và nâng cao chất lượng, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã linh hoạt về thời gian, địa điểm, chương trình đào tạo. Đồng thời gắn liền với điều kiện thực tế và nhu cầu cụ thể của từng đối tượng; bên cạnh việc đào tạo nghề cho người lao động tại cơ sở đào tạo, tỉnh Hòa Bình còn tổ chức dạy nghề tới các xã. Thời gian học cũng được tổ chức linh hoạt, có nơi tổ chức dạy nghề vào các ngày nghỉ hoặc buổi tối.
Hằng năm, các huyện, thành phố tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số; nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc khảo sát nhu cầu học nghề giúp cho việc mở các lớp dạy nghề sát với yêu cầu thực tế của từng địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện nhiều kênh tuyên truyền, tư vấn để tuyển sinh và giới thiệu các ngành nghề đào tạo của đơn vị mình như phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,... để tổ chức các buổi tuyên truyền tại các xã, phường, tổ dân phố, các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Từ việc đổi mới chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay, tỉnh đã đã tạo việc làm cho nhiều lao động, chất lượng lao động ngày càng tăng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.