Đã 3 mùa hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc trên khắp các bản làng của huyện vùng cao Mai Châu cũng là 3 năm chúng tôi chọn chuyến du xuân đầu tiên là đến với lễ hội Xên bản, Xên mường của đồng bào dân tộc Thái để được đắm mình vào các hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc mà ở đó không thể thiếu màn keeng loóng rộn rã lòng người của các cô gái Thái duyên dáng, nết na như mời gọi du khách hãy nhớ, hãy thương một miền sơn cước thanh bình, tươi đẹp.
Sau hơn nửa thế kỷ bị mai một, những năm gần đây, huyện Mai Châu đã khôi phục lại lễ hội Xên Mường và trở thành lễ hội thường niên vào mỗi độ xuân về để thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của cha ông xưa đã lập nên bản, nên mường. Lễ hội gắn với văn hoá nông nghiệp, thể hiện tín ngưỡng cầu mong thần nước phù hộ cho quanh năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người người ăn nên làm ra, bản mường no ấm, gia đình hạnh phúc, yên vui. Chính vì ý nghĩa đó mà keeng loóng là hoạt động không thể thiếu bởi một điều đơn giản: loóng có nghĩa là máng (cái máng dùng để giã lúa), keeng loóng tức là gõ bằng chày vào 2 thành máng giã lúa. Có lẽ hiếm có nơi nào, dân tộc nào lại có sự sáng tạo như người Thái Mai Châu đã biết biến đồ dùng, công cụ lao động thiết yếu hàng ngày thành một loại nhạc cụ độc đáo.
Có tích kể rằng: Đồng bào dân tộc Thái nơi đây có quan niệm trong thế giới quan có 3 mường giống nhau là: Mường Trời, Mường Đun (ở trần gian) và Mường Đùng Đình (Mường âm). Ba Mường là anh em nên phải có trách nhiệm giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Xưa kia khi chưa có sự hiểu biết khoa học cứ thấy hiện tượng nhật thực, người dân cho rằng ông Ta Nghèn (tức mặt trời) bị con gấu gặm và thấy hiện tượng nguyệt thực cho rằng nàng Bươn (tức mặt trăng) bị con ếch nhà trời gặm. Con người ở trần gian là anh em phải có trách nhiệm giúp đỡ các Mường thoát nạn. Vì vậy, cả làng trên, làng dưới, nhà nào có loóng đều phải mang ra gõ, tạo âm thanh dồn dập, tưng bừng để xua đuổi con ếch hay con gấu giúp đỡ ông Ta Nghèn, nàng Bươn. Cũng chính từ đó mà keeng loóng trở thành hoạt động tinh thần quen thuộc của người Thái Mai Châu.
Đó là tích được lưu truyền trong dân gian, còn những người già có am hiểu về truyền thống văn hoá của dân tộc kể rằng: Từ thời xa xưa, lương thực chính của đồng bào dân tộc Thái là ăn gạo nếp. Mỗi mùa gặt về, các gia đình bó thành từng bó lúa to gác lên gác bếp. Lúc cần ăn để cả bông cho vào máng giã thành gạo. Công việc làm một mình vừa vất vả, vừa lâu nên mỗi lần giã lúa thường có từ 6 - 8 người đứng đều sang hai bên, vừa giã, vừa nhún nhảy thể hiện sự tươi vui. Tiếng giã rộn ràng, có nhịp điệu tạo thành tiếng nhạc vui, khiến lao động bớt mệt mỏi, công việc đều tay, hiệu quả hơn. Chính vì lẽ đó mà dần dần tiếng gõ vào máng giã lúa và tiếng chày gõ vào nhau mà người Thái gọi là keeng lóng đã gắn bó sâu sắc đối với đời sống tinh thần của người dân.
Cùng cán bộ phòng VH-TT huyện Mai Châu, chúng tôi tìm gặp ông Hà Công Tín, xóm Mỏ, xã Chiềng Châu là một trong những người am hiểu sâu về văn hoá Thái. Đưa khách đến xem chiếc loóng được xếp đặt như một đồ vật quý trong gia đình, ông hoài niệm: “Chiếc loóng này đã gắn bó với gia đình gần 50 năm. Loóng giúp gia đình có không biết bao nhiêu bát cơm ngon và cũng đã tham gia không biết bao nhiêu những ngày vui, ngày hội của nhà, của bản”. Dấu ấn thời gian đã làm cho loóng trở nên cũ kỹ nhưng âm thanh vang vọng của nó ít có loóng nào sánh được. Trông bề ngoài thật đơn giản nhưng để có được loóng tốt, âm thanh hay không phải dễ dàng. Cây gỗ làm loóng cần to và thật chắc, không bị mối mọt. Hai thành loóng phải một bên thanh trầm, một bên thanh cao. Chày gõ cần chọn cây gỗ chắc, khô tiếng mới vang. Ngày xưa chiếc loóng còn thể hiện sự phân cấp giàu - nghèo trong xã hội. ở gia đình có chức sắc hay tộc trưởng, trưởng họ, loóng sẽ to và dài từ 5 - 6 m. Trong gia đình bình thường loóng ngắn và nhỏ hơn. Vì thế mà có câu rằng: “Hườn xào hoóng / Loóng xào bà ( nghĩa là nhà 20 quan, loóng 20 sải).