DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

“Ngân hàng bò” giúp người nghèo thoát nghèo

07/11/2013 00:00
Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trên cả nước; công văn số 334/TƯHCTĐ-CTXH ngày 22/4/2013 của TƯ Hội CTĐ về việc phát triển chương trình “Ngân hàng bò” tại địa phương. Hội CTĐ tỉnh đã vận động được sự tham gia đóng góp, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh được số tiền: 458.550.000 đồng. Mục đích chương trình hướng đến là hỗ trợ các gia đình nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam để có điều kiện phát triển kinh tế, giúp họ thoát nghèo, nâng cao thu nhập trong cuộc sống.
Lãnh đạo T.Ư Hội CTĐ, Hội CTĐ tỉnh và chính quyền địa phương trao bò giống cho hộ nghèo tại xã Pù Bin (Mai Châu).

 Chương trình vận động đã nhận được sự tham gia ủng hộ tích cực của các đơn vị: Sở NN&PTNT nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công đoàn cơ sở Ngân hàng nông nghiệp tỉnh. Các đơn vị làm tốt công tác vận động ủng hộ như: Hội CTĐ tỉnh, Hội CTĐ huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn… Ngoài ra, được sự quan tâm hỗ trợ của T.Ư Hội, các hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo của xã Pù Bin (Mai Châu) đã nhận được hỗ trợ 5 con bò giống sinh sản vào tháng 7/2013. Trước đó T.Ư Hội đã hỗ trợ kinh phí cho Hội CTĐ tỉnh mua, chuyển giao hỗ trợ mua 15 con bò giống sinh sản, Tỉnh hội hỗ trợ thêm 1 con cho các hộ gia đình người khuyết tật nghèo, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Lạc Sơn. Tổng trị giá tiền hỗ trợ cho 16 gia đình mua 16 con bò giống sinh sản là 160 triệu đồng. Qua kiểm tra, khảo sát tại các hộ gia đình sau khi nhận được bò giống hỗ trợ đã tích cực chăm sóc bò, thường xuyên tiêm phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Lạc Sơn có 3 con bò đã sinh sản, số bê con được sinh sản thêm được 3 con.

Ông Phạm Toàn Thắng, chủ tịch Hội CTĐ huyện Mai Châu cho biết: Ngân hàng bò” là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì và phát triển “ngân hàng sống” này. Ngay khi đề án được triển khai tại huyện Mai Châu, Hội CTĐ huyện đã triển khai khảo sát, lựa chọn đối tượng khó khăn nhất để được hỗ trợ từ chương trình dự án “Ngân hàng bò”. Từ tháng 6/2013 đến nay, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của T.Ư Hội CTĐ, huyện Mai Châu đã có 5 hộ gia đình nghèo được hỗ trợ bò giống sinh sản. Mỗi hộ gia đình nghèo được trao tặng 1 con bò giống trị giá 7 triệu đồng. Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái, thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó sẽ chuyển giao con bê này cho hộ nghèo khác nuôi. Còn theo quy định, con bê đực sẽ được bán, sau đó dồn tiền lại để mua bò sinh sản trao tặng hộ nghèo. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống. Cứ tiếp tục theo chu trình như vậy, số lượng bò giống được gia tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo khác trong địa phương được trợ giúp.

Gia đình chị Hà Thị Liên, xóm Bin, xã Pù Bin (Mai Châu) thuộc diện hộ nghèo, chồng  chị là thương binh đã mất. Kinh tế gia đình chị Liên chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng, muốn mua con trâu, con bò về nuôi, để phát triển kinh tế gia đình cũng khó vì tiền để đầu tư mua con giống quá lớn so với điều kiện kinh tế gia đình. Trong đợt bình xét vừa qua, gia đình chị được Hội CTĐ giao cho 1 con bò giống, trong dự án chương trình “Ngân hàng bò”, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Vì vậy gia đình chị cảm thấy rất yên tâm và phấn khởi, tích cực chăm sóc bò giống để bò sinh sản, phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ có gia đình chị Liên, các hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án cũng đều rất vui mừng vì "Ngân hàng bò" đã giúp họ có phương tiện sản xuất mà bấy lâu nay vẫn hằng mong ước.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Hà Văn Bân, người dân tộc Thái, xã Pù Bin (Mai Châu) cho biết: “Thú thực gia đình nghèo lắm, cũng muốn vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế đấy, nhưng vì không có vốn nên vẫn cứ nghèo. Nay nhờ có bò từ dự án hỗ trợ nên gia đình vui lắm, sẽ tập trung làm ăn, phát triển kinh tế gia đình”. Ngoài kiến thức được tiếp thu từ các buổi tập huấn do Ban quản lý dự án tổ chức, phần lớn bà con đều chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm thực tế; tập trung làm chuồng trại, lựa chọn thức ăn và tiêm phòng cho bò đúng định kỳ hướng dẫn. Chứ trước đây, bà con thường thả trâu bò trong rừng, thế nên vào mỗi đợt dịch bệnh, rét đậm kéo dài, bò thường chết hàng loạt…

Đánh giá hiệu quả mà chương trình “Ngân hàng bò” đem lại cho người dân, bà Đinh Thị Đào, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Dự án “Ngân hàng bò” đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp nhiều người dân nghèo thoát nghèo, có điều kiện để phát triển chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Mong rằng thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh tiếp tục là cầu nối nhận được sự quan tâm ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân để nhiều người dân nghèo tiếp tục được hỗ trợ, ổn định cuộc sống.