DetailController

Chính trị

Định hướng thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2022 – 2025

21/10/2022 00:00
Ngày 20/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2383/QĐ-UBND về phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2022 – 2025.

Theo Định hướng được phê duyệt, nguyên tắc thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đảm bảo tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo chung đã được quy định tại các văn bản chỉ đạo, định hướng của Đảng và Chính phủ. Việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công. Việc đề xuất các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi phải phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng trả nợ. Vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho các lĩnh vực, dự án mà vốn đầu tư công trong nước chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực để đầu tư hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư để kiểm soát và quản lý nhằm tạo thuận lợi phát triển các ngành kinh tế khác.

Ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cứu trợ thảm họa, phòng chống dịch bệnh; thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh; đổi mới sáng tạo; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi. Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp. Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2022-2025 là sẽ tranh thủ, tận dụng nguồn vốn vay ODA còn lại của các nhà tài trợ đa phương, tiếp tục tập trung vào những nhà tài trợ cung cấp nhiều vốn ODA. Vốn vay ưu đãi của WB, OCR, ADB cùng với vốn vay Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức cần được định hướng cho các chương trình dự án hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng có quy mô lớn trong giao thông, thủy lợi, các chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời tận dụng hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại của một số nhà tài trợ khác để tăng cường năng lực, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, hỗ trợ phát triển trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, xã hội. Tiếp tục duy trì quan hệ với nhiều đối tác, tổ chức tài trợ; hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong 5-10 năm và xây dựng một kế hoạch chuyển dần ra khỏi giai đoạn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Tiêu chí lựa chọn dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, cần xem xét lựa chọn dự án dựa trên 5 tiêu chí của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) gồm: Tính phù hợp, tính hiệu suất, hiệu quả, tác động và tính bền vững. Ngoài ra, có thể bổ sung các tiêu chí khác trên cơ sở quy định của Việt Nam và của nhà tài trợ./.