Hòa Bình là tỉnh thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Do là tỉnh miền núi, các đô thị hình thành từ trước đây chủ yếu bám theo các tuyến Quốc lộ, quỹ đất thuận lợi để phát triển đô thị hạn chế, quy mô và mật độ dân cư tập trung không cao, còn nhiều khó khăn về nguồn vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách. Yếu tố thương mại, dịch vụ của các đô thị chủ yếu phục vụ các nhu cầu thiết yếu của địa phương, thiếu yếu tố động lực phát triển quan trọng như sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, tốc độ đô thị hoá và quy mô phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Ngoài thành phố Hòa Bình thì hầu như các đô thị hạn chế việc phát triển các dự án khu dân cư, khu đô thị mới. Các đô thị được hình thành và phát triển chủ yếu trên cơ sở chức năng đô thị hành chính.
Thực hiện Chương trình phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020, Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai các nội dung liên quan như Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh; Quy hoạch tỉnh; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình phát triển đô thị tỉnh; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị. Năm 2012 tỉnh Hòa Bình có 12 đô thị hiện hữu, gồm có 01 đô thị loại III (thành phố Hòa Bình) và 10 đô thị loại V. Năm 2019 tỉnh Hòa Bình thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến nay, sau 10 năm nỗ lực, phấn đấu tập trung đầu tư xây dựng, tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành theo các mục tiêu cấp Quốc gia, cấp tỉnh đề ra về phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn.
Hiện tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Hòa Bình và 09 huyện. Hệ thống đô thị tỉnh Hòa Bình hiện có 11 đô thị, bao gồm 01 đô thị loại III (thành phố Hòa Bình), 01 đô thị loại IV (thị trấn Lương Sơn) và 09 đô thị loại V thuộc 08 huyện (01-TT. Cao Phong, huyện Cao Phong; 02-TT. Đà Bắc, huyện Đà Bắc; 03-TT. Bo, huyện Kim Bôi; 04-TT. Mai Châu, huyện Mai Châu; 05-TT. Mãn Đức, huyện Tân Lạc; 06-TT. Vụ Bản, huyện Lạc Sơn; 07-TT. Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; 08-TT. Chi Nê (huyện lỵ), 09-TT. Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy). Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 27,11%.
Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trên địa bàn tỉnh, thì việc tập trung các nguồn lực để phát triển đô thị là nhiệm vụ cần thiết. Tỉnh ta xác định việc phát triển đô thị phải phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030; Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khả năng huy động nguồn lực thực tế của tỉnh.
Thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh, hiệu quả, có chất lượng cao và bền vững hơn; phát triển hệ thống đô thị tỉnh Hòa Bình theo mô hình mạng lưới liên kết, xanh và bền vững, tỷ lệ đô thị hóa theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII giai đoạn 2020 - 2025 đến năm 2025 đạt 38%; đến năm 2030 tỷ lệ đô thị hoá là 43,18%; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; thích ứng với biến đổi khí hậu; có nền kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị của cả nước.
Đồng thời, phải phát huy vai trò vị trí địa chiến lược của tỉnh Hòa Bình trong tổng thể phát triển của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội, mục tiêu hướng tới là một vùng đô thị có vị thế kinh tế - văn hóa quan trọng của cả nước. Đáp ứng nhiệm vụ ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và phù hợp với đặc điểm của tỉnh Hòa Bình. Đồng thời kế thừa các thành tựu đã đạt được, khắc phục những yếu kém trong quản lý và quá trình phát triển đô thị.
Cần huy động cao nhất các nguồn nội lực kết hợp các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển với tốc độ tăng trưởng nhanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cả trong GDP và cơ cấu lao động. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo, xây dựng mới đô thị xanh và đô thị sinh thái và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới để xây dựng đô thị văn minh và hiện đại. Thành lập các đô thị mới và phân bố hợp lí đô thị trung tâm trên địa bàn tỉnh, tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng trong tỉnh. Phát triển đô thị phải gắn với phát triển nông thôn và sử dụng hiệu quả hợp lý quỹ đất trong phát triển đô thị nhằm bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia./.