Ông Lê Tiến Trung, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ pháp luật - Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cho biết: Các tỉnh khu vực Tây Bắc nằm gần 2 vùng ma túy lớn nhất thế giới là “tam giác vàng” và vùng “trăng lưỡi liềm vàng”. Vì vậy, nguồn ma túy vào nước ta qua khu vực Tây Bắc rất đa dạng, bằng nhiều con đường khác nhau rất khó kiểm soát. Đầu tiên phải kể đến là sự thông thương qua các cửa khẩu lớn với các nước bạn Lào, Trung Quốc, rồi hàng trăm, hàng nghìn con đường tiểu ngạch, đường ngang, ngõ tắt tại các tuyến biên giới. Ngoài các tuyến đường trên, ma túy còn xâm nhập vào vùng Tây Bắc bằng đường hàng không, đường thư tín, chuyển phát nhanh… Chưa kể, ma túy còn được vận chuyển bằng đường du lịch.
Một số địa bàn nóng về tệ nạn ma túy là Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình); Mộc Châu, Sông Mã (Sơn La); huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên (tỉnh Điện Biên); huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) và tại khu vực phụ cận Tây Bắc là Tây Nghệ An và Tây Thanh Hoá.
Các nhóm buôn bán, vận chuyển ma túy thường sử dụng vũ trang, chống trả quyết liệt khi bị vây bắt. Trong 5 năm qua, đã có 14 vụ tội phạm ma túy dùng súng, lựu đạn chống trả lực lượng công an, bộ đội biên phòng làm 9 đồng chí hy sinh và nhiều đồng chí bị thương.
Tại một số tỉnh tiếp giáp khu vực Tây Bắc như Thanh Hóa, Nghệ An đã phát hiện một số vụ sản xuất ma túy tổng hợp (methamphetamine dạng tinh thể) từ các loại thuốc ho, thuốc cảm cúm do các đối tượng là Việt kiều liên kết với các đối tượng trong nước tổ chức sản xuất.
Đáng chú ý là, thời gian gần đây, ma túy tổng hợp được dùng trong các vũ trường, sinh nhật và các buổi liên hoan của một bộ phận giới trẻ.
Bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Phó cục Trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin thêm: Từ năm 2008 - 2011, 14 tỉnh khu vực Tây Bắc đã tổ chức cai nghiện cho 44.054 người. Trung bình mỗi năm cai nghiện khoảng 11.000 người, bằng 24,8% số người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Tùy theo địa phương, hàng năm số người được cai nghiện trung bình chiếm từ 12% đến gần 60% số người nghiện có hồ sơ quản lý. Những tỉnh có tỷ lệ cai nghiện cao như là Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang…
Thời gian qua, các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai trong cả nước nói chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng. Tất cả các tỉnh trong vùng đều đã thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống ma túy (PCMT), mại dâm và HIV/AIDS. Tuy nhiên, cuộc chiến PCMT trên địa bàn cả nước nói chung, các tỉnh khu vực Tây Bắc nói riêng vẫn chưa có hồi kết...
Mới đây, tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác PCMT vùng Tây Bắc và phụ cận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng tiếp tục tổ chức thực hiện nghiệm túc Chỉ thị số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCMT trong tình hình mới.
Đồng thời, tập trung vào một số trọng tâm như: Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Chương trình Mục tiêu Quốc gia PCMT giai đoạn 2012 - 2015 thông qua các chương trình, kế hoạch, chính sách cụ thể, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương vùng Tây Bắc đặc biệt coi trọng vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đánh giá đúng thực trạng, tránh bệnh thành tích để có giải pháp đúng đắn, quyết liệt trong việc thực hiện kế hoạch PCMT đã đề ra.
Cùng với việc tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách, pháp luật về PCMT với hình thức phù hợp hơn tại địa bàn miền núi, vùng dân tộc, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín của dòng họ nhằm quản lý, giáo dục con em tránh xa tệ nạn ma túy. Các hoạt động PCMT cần hướng về cơ sở, lồng ghép với việc củng cố cơ sở chính trị và bảo đảm an ninh biên giới, xây dựng xã, phường không ma túy