DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Để các nông, lâm trường quốc doanh hoạt động hiệu quả

28/02/2013 00:00
Sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị và hơn 6 năm thực hiện Nghị định 200/2004/NÐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường (NLT) quốc doanh. Đến nay, tuy các NLT quốc doanh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhưng cũng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 8 đơn vị NLT, gồm 5 nông trường, 2 lâm trường và 1 công ty lâm nghiệp thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Trong đó các nông trường quản lý 6.073,65 ha đất, các lâm trường và Công ty Lâm nghiệp quản lý trên 26.248ha đất. Diện tích đất trên được các NLT giao khoán cho 3 đối tượng nhận khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ (gồm:Cán bộ, công nhân, viên chức đang làm việc cho bên giao khoán; hộ gia đình có người đang làm việc cho bên giao khoán hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, được hưởng chế độ đang cư trú trên địa bàn; hộ gia đình có nhu cầu trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang cư trú trên địa bàn). Bắt đầu từ năm 2006, các NLT trên địa bàn tỉnh thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định của UBND tỉnh về việc chỉ đạo sắp xếp, đổi mới các NLT quốc doanh trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ đạo sắp xếp, đổi mới các NLT quốc doanh tỉnh đã chỉ đạo các NLT tiến hành xây dựng phương án thực hiện. Tới tháng 6/2011 tỉnh Hòa Bình đã thực hiện sắp xếp xong 100% các NLT theo các văn bản quy định của Chính phủ.

Về diện tích đất lâm trường, hiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình được giao quản lý 22.166,2ha đất nằm trên địa bàn nhiều huyện trong tỉnh, đang trực tiếp sử dụng gần 12 nghìn ha, còn lại là đất sử dụng không có hiệu quả, chưa sử dụng, đất giao thông, thủy lợi, đất ở lâu dài...số đất này(trên 9 nghìn ha)nằm trong chủ trương thu hồi của UBND tỉnh, hiện đã thu hồi được 1.182,6 ha. Về diện tích đất sử dụng của các nông trường, với trên 6 nghìn ha tiếp quản, trong đó đất sử dụng không  hiệu quả, đất phi nông nghiệp là trên 2700ha, đến nay UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 808,2 ha để sử dụng vào các mục đích khác hiệu quả hơn, diện tích còn lại sau khi hòan thiện hồ sơ các đơn vị sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Tới nay, việc rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính đất của các nông trường đã được tiến hành theo quy định, riêng với đất sử dụng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, hiện đơn vị đo đạc đang triển khai công tác tại các đơn vị của công ty.

Có thể nói, việc thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo sắp xếp đổi mới và phát triển các NLT quốc doanh trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng rà soát, đánh giá thực trạng của các NLT quốc doanh cũng như đã xác định vai trò nhiệm vụ của từng NLT để đề xuất với UBND tỉnh có các quyết định phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới, xây dựng chương trình phát triển cho từng đơn vị. Các NLT sau khi được sắp xếp đã có nhiều cố gắng cải tiến tổ chức sản xuất và thực hiện từng bước đề án sản xuất đã xây dựng. Một số NLT đã sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn trước khi sắp xếp.

Tuy nhiên, hiện nay việc sắp xếp, đổi mới các NLT quốc doanh trên địa bàn còn gặp những khó khăn do việc bàn giao đất trả lại địa phương quản lý đến nay chưa thực hiện phân định mốc giới và bàn giao quỹ đất trả lại cho địa phương theo phương án đã phê duyệt. Hiện các công ty vẫn đang quản lý toàn bộ. Các NLT chưa chủ động lập hồ sơ giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Quy hoạch chi tiết sử dụng đất tại các NLT chưa được thực hiện do ảnh hưởng đến công tác quản lý, phân vùng và tổ chức sản xuất cũng như công tác giao khoán đất đai cho các hộ thuộc các NLT. Giám đốc Lâm trường Kim Bôi, thuộc Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Hòa Bình (Hòa Bình) Nguyễn Văn Toàn cho chúng tôi biết: Bên cạnh hiệu quả thiết thực là thực hiện tốt vai trò chủ động, nòng cốt trong việc góp phần bảo vệ diện tích rừng tại địa phương, kết hợp hài hòa, đa dạng mô hình sản xuất phát triển nông, lâm, thủy sản, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; hạn chế tình trạng manh mún đất sản xuất, giữ điều kiện cân bằng sinh thái thì hiệu quả sản xuất của lâm trường hiện nay chưa cao, chưa thu hút được đông đảo lao động, nhiều diện tích đất vẫn còn chưa khai thác hiệu quả do chưa quy hoạch được hoặc đất nằm xen kẽ với đất của dân cư và các địa phương. Ðây chính là những khó khăn vướng mắc cần giải quyết, nhất là trong điều kiện hiện nay, cần nâng cao hiệu quả kinh tế từ quản lý và sử dụng đất tại các NLT quốc doanh.

Các công ty còn buông lỏng trong quản lý đất đai để nhiều hộ, thành viên trong công ty sử dụng đất chưa đúng mục đích, lãng phí đất đai, cá biệt có những hộ sử dụng, chuyển nhượng đất đai trái quy định. Việc thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất như vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu….của nhiều công ty còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; dịch vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm phục vụ sản xuất còn rất ít, đa số nông sản sản xuất bán ở dạng nguyên liệu và trực tiếp người sản xuất tự tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, giá cả sản phẩm thường bị ép giá. Hơn nữa, do điều kiện có chế và nguồn vốn còn thiếu nên việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn nhiều khó khăn, do vậy năng suất cây trồng, vật nuôi đạt thấp, chưa tương xứng tiềm năng. Bên cạnh đó, một số NLT chưa có phương án cụ thể, khả thi về biện pháp sản xuất kinh doanh, đổi mới để thích nghi với thị trường, còn lung túng trong tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh. Công tác thống kê báo cáo còn nhiều bất cập, số liệu thống kê báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh còn mang tính tình thế, thiếu thống nhất, chưa phản ánh đúng thực trạng của công ty, do đó công tác đánh giá của Ban chỉ đạo chưa thực sự chính xác và hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho rằng, để khắc phục những vướng mắc thì trong thời gian tới, các công ty tiếp tục thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về sắp xếp, đổi mới và phát triển NLT. Trên cơ sở đó, những phần đất bị thu hồi đã tiến hành đo đạc xong, các công ty báo cáo trình lên UBND huyện để tiến hành bàn giao; những đơn vị chưa tiến hành đo đạc xong thì tiếp tục rà soát lại, có đề xuất trả lại đất và sớm có văn bản trình UBND tỉnh trong vòng tháng 12/2012 để tỉnh có chỉ đạo bàn giao đất; kiểm tra, rà soát các công trình đầu tư và có đề xuất hủy bỏ các công trình đầu tư kém hiệu quả; toàn bộ đất đai của các NLT sau khi bàn giao, các huyện cần xây dựng phương án sử dụng đất có hiệu quả và trình UBND tỉnh phê duyệt trước. Đối với vấn đề tổ chức sản xuất của các NLT, các công ty xem xét và xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh, trên cơ sở bám vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh các công ty xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế, lựa chọn những sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó các công ty phải tổ chức quản lý sản xuất cho phù hợp, việc lên phương án sản xuất và tổ chức quản lý phải tiến hành xong trong tháng 12/2012...