DetailController

Sức khỏe - Đời sống

“Bớt đi một ánh mắt kỳ thị, tăng thêm tia hy vọng”

22/11/2012 00:00

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến hết tháng 10/2012, toàn tỉnh có 1.709 người bị nhiễm HIV/AIDS, tăng hơn 100 người so với năm 2011. Số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống là 1.115 người và đã có 752 trường hợp tử vong do bệnh AIDS. Kỳ thị, phân biệt đối xử là một trong những nguyên nhân làm tăng số người nhiễm HIV.

Chị Hiền(giữa) tại buổi tọa đàm “Bớt đi một ánh mắt kỳ thị tăng thêm tia hi vọng”

Mang thai được 5 tháng chị Bùi Thị Hiền ở xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn biết chồng bị nhiễm HIV, đi làm xét nghiệm chị cũng dương tính với HIV. Khi sinh con được 5 ngày thì chồng qua đời, đau đớn và tuyệt vọng đã nhiều lần chị tìm đến cái chết, nhưng vì đứa con nên chị lại cầm lòng.

Chị Hiền chia sẻ: Để có tiền nuôi con, khi cháu được 2 tháng tuổi tôi xin đi làm ở nhà máy gạch, được một thời gian mọi người biết tôi bị HIV họ bắt đầu xì xào, bàn tán và dần xa lánh tôi. Không đủ can đảm để đối diện với những ánh mắt kỳ thị tôi tự xin nghỉ việc, cuộc sống của 2 mẹ con ngày càng khó khăn. Tôi đi xin việc ở một số nơi khác nhưng biết tôi nhiễm HIV nên không ai nhận. 

Không những chỉ xã hội phân biệt đối xử mà ngay cả chính những người thân cũng còn có những hành vi này đối với họ. Chị Nguyễn Thinh ở xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn tâm sự: Tôi lấy chồng và bị nhiễm HIV từ chồng nhưng khi về nhà mẹ đẻ chính những đứa em tôi còn xa lánh, đuổi tôi về vì sợ bị lây bệnh.

Đó là hai trong số rất nhiều câu chuyện mà những người có H đã chia sẻ. Thực tế hiện nay, mặc dù chúng ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, về thực hiện luật phòng chống HIV/AIDS về tận các đường làng, góc phố, vùng sâu vùng xa… nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H vẫn còn phổ biến. Có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là do thiếu hiểu biết về HIV/AIDS. Những cụm từ như "đại dịch", "hiểm họa", "tử thần" thường được dùng đi kèm với HIV/AIDS lâu nay được hiểu không đầy đủ vô hình chung đã tạo ấn tượng về sự mặc cảm, lo sợ dẫn đến biểu hiện ngại tiếp xúc, xa lánh và kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một người hoặc gia đình họ vì biết họ nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và cả cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị còn do chính người nhiễm HIV/AIDS gây ra (tự kỳ thị) vì thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Những bài học kinh nghiệm trong phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, dù ở bất cứ đâu và dù bị lây nhiễm HIV vì bất cứ lý do nào nếu không được xã hội tạo môi trường thuận lợi, những người nhiễm HIV thường phải dấu diếm, lẩn trốn khỏi cộng đồng.

Hậu quả của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác đã  làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. 

Để giảm thiểu số người nhiễm HIV không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế, mà cần sự vào cuộc của các cấp các ngành. Cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống HIV/AIDS, có các chính sách hỗ trợ đối với những người nhiễm HIV/AIDS, chống phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, nâng cao nhận thức chung của cộng đồng về HIV/AIDS; tăng cường và mở rộng các hoạt động chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Có như vậy mới có thể đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.