Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 60 khu dân cư kiểu mẫu; 170 Vườn mẫu; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, huyện Lạc Thuỷ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình còn gặp phải một số khó khăn về nguồn vốn đầu tư; ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các nông sản chủ lực…Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 trên địa bàn tỉnh, ngày 22/02/2022 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 255/UBND-KTN trong đó yêu cầu các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, truyền thông về xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; mục tiêu, nội dung các cơ chế chính sách của Chương trình, thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để phổ biến và nhân rộng. Đổi mới thực hiện phương thức tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả để người dân dễ tiếp cận và thực hiện, gắn với việc tổ chức thi đua, khen thưởng ở tất cả các địa phương.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới các cấp. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo chương trình và bộ máy giúp việc các cấp giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất chính sách khuyến khích và phụ cấp chế độ đặc thù đối với cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm trực tiếp tham gia thực hiện chương trình. Mỗi đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh chủ động có kế hoạch mỗi quý ít nhất có một lần xuống địa phương được giao phụ trách để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra theo dõi việc thực hiện nội dung, tiêu chí thuộc ngành, đơn vị phụ trách; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, động viên các địa phương hoàn thành tốt kế hoạch đề ra.
Tiếp tục phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn. Đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp ở mỗi địa phương gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, ưu tiên mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển sản phẩm hàng hóa chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Hoàn thành kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ đạo 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn các huyện được theo kế hoạch năm 2022.
Các Sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi các địa phương thực hiện các lĩnh vực, các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới thuộc ngành, đơn vị mình phụ trách theo Kế hoạch số 14/KHUBND ngày 26/01/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương.
Các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo nhiệm vụ được giao. Rà soát, đánh giá xã dự kiến về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022; huy động các nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ cho các xã sớm hoàn thành. Thành phố Hoà Bình phấn đấu duy trì, củng cố, giữ vững kết quả; huyện Lương Sơn và huyện Lạc Thuỷ củng cố, giữ vững kết quả xây dựng huyện nông thôn mới, xây dựng lộ trình, kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí phấn đấu xây dựng huyện, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2021-2025, hướng đến xây dựng huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Cao Phong và huyện Yên Thủy tập trung các nguồn lực để hỗ trợ hoàn thiện đảm bảo tiến độ huyện nông thôn mới trước năm 2025.
Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng có lợi thế của mỗi địa phương gắn với phát triển du lịch. Ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho cư dân nông thôn…/.