DetailController

Chính trị

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh

18/10/2022 00:00
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh đặt mục tiêu: Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5%-3%; đối với các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4-4,5%”. Dự kiến phấn đấu có 05 xã khu vực III thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên tới nay việc giải ngân vốn chương trình đang bị chậm, gặp rất nhiều khó khăn.
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là một trong những mục tiêu và dự án chương trình đang triển khai

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, theo kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 có tổng kinh phí 1.573.509 triệu đồng để thực hiện các dự án gồm: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp có công của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6:  Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn sự nghiệp năm 2022: Tổng kinh phí 423.560 triệu đồng, phân bổ thực hiện các dự án sau: Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; Dự án 4: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời ssống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp có công của lĩnh vực dân tộc; Dự án 5: Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Dự án 6:  Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Dự án 9: Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Dự án 10: Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên tới nay các đơn vị được giao và phân bổ nguồn vốn đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư thực hiện các dự án. Việc giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022, tính đến thời điểm báo cáo kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 chưa thực hiện giải ngân. Dự kiến đến ngày 31/01/2023 giải ngân đạt 100%.

Ngoài nguồn vốn trên, để thực hiện chương trình tỉnh còn triển khai huy động, đa dạng hóa nhiều nguồn vốn; triển khai các Dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do các đối tác quốc tế tài trợ tại địa phương (nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Ai Len). Tổng vốn kế hoạch giao giai đoạn 2015 đến nay: 79.300 triệu đồng. Từ nguồn vốn trên đã thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng 71 công trình: trong đó giai đoạn 2016-2020 thực hiện 32 công trình giao thông, 03 công trình thuỷ lợi, 01 công trình giáo dục (trường, lớp); năm 2021 thực hiện 22 công trình giao thông; năm 2022 thực hiện 13 công trình giao thông.

Nguyên nhân chậm giải ngân chương trình là do việc triển khai còn nhiều vướng mắc do một số Bộ, Ngành Trung ương chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình; dự toán năm 2022 được Trung ương giao muộn gây ảnh hưởng đến việc giao chi tiết và thực hiện kế hoạch vốn tại địa phương. Các Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện thành phố của tỉnh Hòa Bình mới được giao vốn đầu tư phát triển vào ngày 29/6/2022 và vốn sự nghiệp vào ngày 31/8/2022. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng thể quy mô lớn với nhiều dự án, tiểu dự án thành phần có mối liên quan chung với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 dẫn đến ảnh hưởng chậm ban hành các cơ chế, tổ chức thực hiện Chương trình.

Trước những vướng mắc trên, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Uỷ ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong công tác giải ngân nguồn vốn; đề nghị Uỷ ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2022 của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết năm 2023. Đề nghị Uỷ ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư vốn viện trợ của Chính phủ Ailen năm 2021 sang năm 2022 đối với dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.../.