Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đinh Văn Hòa theo kết quả rà soát, toàn tỉnh có diện tích đất tự nhiên là 459.524,36 ha, diện tích cần cấp các loại đất là 298.324,87 ha. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp có tổng diện tích là 64.973,82 ha, diện tích cần cấp là 61.000 ha; đất lâm nghiệp tổng diện tích là 288.554,6 ha, diện tích cần cấp là 207.789,34 ha; đất ở nông thôn tổng diện tích là 18.288,43 ha, diện tích cần cấp là 18.288,43 ha; đất ở đô thị diện tích cần cấp là 1.134,44 ha; đất chuyên dụng tổng diện tích là 25.203,39 ha (qua rà soát xác định không thực hiện cấp giấy chứng nhận đối với diện tích đất công trình năng lượng là hồ Hòa Bình và diện tích mặt nước chuyên dụng do hai loại đất này sử dụng kết hợp với nhiều mục đích như nuôi trồng thủy sản, thủy điện, thủy lợi và cấp nước sinh hoạt) và các loại đất sử dụng vào các mục đích công cộng. Trên cơ sở đó xác định diện tích cần cấp là 8.898,93 ha.
Với các giải pháp đồng bộ và tích cực cũng như sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo tinh thần chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tốt. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tính đến 31-10-2013 tổng diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận là 260.010,7 ha với 481.157 giấy chứng nhận, đạt 87,03% diện tích cần cấp. Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp diện tích đã cấp giấy chứng nhận là 50.301,95 ha với 175.447 giấy chứng nhận, đạt 81,79% diện tích cần cấp; đất lâm nghiệp diện tích đã cấp giấy chứng nhận là 186.859,99 ha với 107.118 giấy chứng nhận, đạt 89,93% diện tích cần cấp; đất ở nông thôn diện tích đã cấp giấy chứng nhận là 15.530,06 ha với 173.617 giấy chứng nhận, đạt 84,92% diện tích cần cấp; đất chuyên dùng diện tích đã cấp giấy chứng nhận là 6.327,62 ha với 2.448 giấy chứng nhận, đạt 70,19% diện tích cần cấp.
Qua đánh giá của cơ quan chức năng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại đất cho các hộ gia đình, cá nhân, tạo điều kiện cho người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp để thực hiện các quyền theo quy định. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã cấp được 277.726,61 ha trên tổng diện tích cần cấp 298.742,84 ha (theo chỉ tiêu kế hoạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường giao) đạt 92,97 % diện tích các loại đất cần cấp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận theo tình thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hoàn thành công tác đo đạc, rà soát, cơ bản giải quyết dứt điểm ranh giới, diện tích do các nông, lâm trường, các khu bảo tồn, vườn quốc gia quản lý, sử dụng trên địa bàn. Trên cơ sở đó đã phân định rõ diện tích đất các nông, lâm trường phải bàn giao lại cho các địa phương quản lý và đã quyết định cụ thể diện tích đất cho các nông, lâm trường thuê đất, diện tích các khu bảo tồn, vườn quốc gia được giao quản lý và cấp giấy chứng nhận để quản lý một cách hệ thống. Từ đó giải quyết dứt điểm tình trạng quản lý chồng chéo giữa các nông, lâm trường, các ban quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia và các địa phương.
Đạt được kết quả trên là do trong quá trình thực hiện có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch được giao, thành lập các đoàn công tác trực tiếp làm việc với các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố và xã đã có sự gắn kết chặt chẽ và có nhiều cố gắng trong việc cấp giấy chứng nhận. Quá trình tổ chức thực hiện đã đề ra được các giải pháp chuyên môn, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đặc biệt là giải pháp tập trung, ưu tiên cấp trước cho các tổ chức kinh tế, các nông, lâm trường, trạm trại, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, bán quản lý dự án rừng phòng hộ, các đơn vị sự nghiệp và đơn vị quốc phòng, an ninh để đáp ứng yêu cầu quản lý sử dụng đất của các loại đối tượng này. Đối với các hộ gia đình, cá nhân ưu tiên cấp trước các trường hợp sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đã được các ngành và địa phương tổ chức thực hiện tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc cấp giấy chứng nhận vẫn còn tồn tại cần giải quyết như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân tại tỉnh Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành những chất lượng còn hạn chế do hồ sơ địa chính đã lập, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trên cơ sở nhiều loại bản đồ và tài liệu khác nhau nên có sự không đồng nhất. Đồng thời độ chính xác không cao dẫn đến chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý đất đai. Đặc biệt là đối với đất ở nông thôn, giấy chứng nhận được cấp theo nội dung Chỉ thị 18/1999/CT-TTg với hình thức các hộ vẽ sơ đồ đất và tự kê khai diện tích nên diện tích cấp giấy chứng nhận biến động nhiều so với thực tế sử dụng. Quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận trước đây có nhiều địa phương cấp sai quy định (ghi đất ở và đất vườn là đất thổ cư trên toàn bộ thửa đất...), việc rà soát, đính chính thực hiện chậm do khó khăn về kinh phí nên chưa phản ánh đầy đủ hiện trạng sử dụng đất dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 13.265,44 ha diện tích đất nông, lâm trường, đất ở do các nông, lâm trường quản lý chưa bàn giao cho tỉnh theo đề án sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường đã phê duyệt nên chưa được xem xét cấp giấy chứng nhận; diện tích đất chuyên dùng do các tổ chức quản lý sử dụng chưa được cấp giấy chứng nhận còn chưa đạt chỉ tiêu cấp 85% diện tích cần cấp.
Để khắc phục tình trạng này, theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì cần thực hiện cải cách, đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về các quy định của pháp luật cũng như quyền lợi và nghĩa vụ trong việc cấp giấy chứng nhận; tăng cường công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính làm cơ sở cho việc cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận; đối với các địa phương đã hoàn thành cấp giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc địa chính đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính để hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai; tiếp tục kiện toàn văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, tỉnh bảo đảm có đủ cán bộ, kinh phí, trang thiết bị và phương tiện làm việc cần thiết theo yêu cầu để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là ưu tiên cho công tác cấp giấy chứng nhận; tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện lập thủ tục thu hồi diện tích đất do các nông, lâm trường đang quản lý bàn giao lại cho các địa phương theo phương án chuyển đổi đã phê duyệt nhằm thực hiện cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất theo quy định...