DetailController

Kinh tế

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nông nghiệp

20/05/2022 00:00
Để đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững theo mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII đề ra, thì thu hút các nguồn vốn đầu tư được xác định là một giải pháp quan trọng, có ý nghĩa then chốt và là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh. Cùng với công nghiệp, dịch vụ, du lịch, công tác thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được tỉnh ta xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT kiểm tra mô hình trồng bưởi tại huyện Cao Phong

Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thu hút đầu tư như: Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 22/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 218/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách đặc thù, tín dụng, thúc đẩy tập trung đất đai tạo quỹ đất để khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; các chính sách về hỗ trợ tiêu thụ nông sản, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình, chính sách phát triển làng nghề truyền thống… Các cơ chế, chính sách được an hành đã tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tính đến hết tháng 31/12/2021, toàn tỉnh có 656 dự án còn hiệu lực hoạt động; trong đó có 39 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 616,362 triệu USD và 617 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 140.400 tỷ đồng. Trong đó, thu hút được 55 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 8,4% tổng số dự án trên địa bàn tỉnh) với tổng vốn đăng ký đạt 5.663 tỷ đồng. Có 39 dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, 13 dự án đầu tư trồng rừng và 03 dự án đầu tư trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đều là các dự án đầu tư trong nước.

Mặc dù thu hút đầu tư đã đạt những kết quả quan trọng, song thực thế cho thấy số lượng dự án, vốn thu hút đầu tư vẫn đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Quy mô của các dự án còn nhỏ. Định hướng đến năm 2025, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, trồng rừng gỗ lớn và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chế biến, bảo quản hoa quả, nông sản, lâm sản; phát triển hệ thống cung ứng và phân phối nông sản, xây dựng chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, đấu giá các mặt hàng nông sản; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn; Thu hút đầu tư vào phát triển các dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với các ngành nghề truyền thống và phát triển đặc sản của các dân tộc trong tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, đặc biệt trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường tiêu thụ nông sản, kịp thời cung cấp thông tin và các dịch vụ thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và n ng dân để chủ động tổ chức phương án sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng vùng định hướng thu hút các dự án đầu tư vào các địa bàn theo các vùng như huyện Kim Bôi, Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, các xã phía tây nam huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, huyện Đà Bắc và huyện Mai Châu ưu tiên phát triển cây ăn quả, trồng rừng gỗ lớn, nông nghiệp sạch, cây dược liệu…

Đồng thời tập trung đối các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư như: công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác vận động, xúc tiến đầu tư và thu hút chọn lọc các dự án đầu tư; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, chủ động hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp an toàn trước nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19; tăng cường công tác phổ biến, thông tin tuyên truyền…/.