Nhằm xây dựng gia đình văn hóa, hằng năm 100% cơ quan, đơn vị đưa tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa vào nội dung kiểm điểm, đánh giá đối với cán bộ, đảng viên hằng năm. Hầu hết các thôn, xóm, tổ dân phố đã đưa tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung cụ thể như: thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng gia đình truyền thống, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, chia sẻ khó khăn… vào quy ước, hương ước để thực hiện.
Nhờ đó, xây dựng gia đình văn hóa đã và đang trở thành phong trào sâu rộng và có sức lan tỏa đến từng gia đình, dòng họ, làng, thôn, bản, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, ý thức tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa được thể hiện qua nhiều phong trào ý nghĩa, như “Nuôi con khỏe dạy con ngoan”; “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hiếu học”, “Gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo”...
Qua triển khai thực hiện phong trào, xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Hiệu quả rõ nhất của phong trào xây dựng gia đình văn hóa là góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo; phát triển kinh tế ổn định và bền vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao; đồng thời giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc được chú ý giữ gìn, phát huy; quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng chặt chẽ hơn, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó. Công tác bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định, với tỷ lệ gia đình văn hóa tăng qua từng năm từ 78,9% (năm 2017) lên 86,4% (năm 2021).
Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ phong trào nay, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Trong đó cần rà soát để điều chỉnh các tiêu chí nhằm hướng đến thực chất, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh như việc xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với việc giảm nghèo đa chiều, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"… tránh xu hướng chạy theo thành tích.
Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh; giáo dục, tuyên truyền về ý chí, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của từng thành viên gia đình trong tình hình mới. Nâng cao chất lượng vận động, thuyết phục của các tổ hòa giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chống bạo lực gia đình, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy tốt vai trò trong gia đình và xã hội, góp phần xây dựng gia đình no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh./.