DetailController

Thời sự trong ngày

Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

17/06/2021 00:00
Trong những năm qua, việc triển khai ứng dụng cộng nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ môi trường; tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của tỉnh. Ứng dụng CNSH trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả nhất định, khẳng định được ưu thế và mở ra cơ hội triển khai, ứng dụng về CNSH trên các lĩnh vực trong giai đoạn tiếp theo.
Xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm và khẳng định một số giống vật nuôi mới như cá tầm, cá hồi vân trên hồ Hòa Bình áp dụng công nghệ sinh học

Trong 5 năm (2016-2020) nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo môi trường thuận lợi, thu hút các dự án, đầu tư công nghệ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm CNSH; phát triển và nhân rộng các mô hình, kết quả nghiên cứu CNSH mang lại hiệu quả, lợi ích cao. Việc quy hoạch vùng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được triển khai. Trong đó xác định rõ 3 vùng và 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, một số địa phương đã hình thành mô hình liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao như: Kim Bôi, Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Thủy,…Trong công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đăng nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh về CNSH; phản ánh kết quả ứng dụng CNSH trên các lĩnh vực. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các thành tựu CNSH vào sản xuất và đời sống. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả CNSH trong sản xuất và đời sống. Trong 05 năm toàn tỉnh đã triển khai 07 đề tài, dự án về CNSH cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp; 03 đề tài lĩnh vực y - dược với kinh phí 15,2 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh có 20 tổ chức khoa học và công nghệ. Trong đó, có 02 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNSH phục vụ phát triển nông nghiệp (Công ty Biopharm Hòa Bình và Trung tâm Thông tin, ứng dụng khoa học và công nghệ tỉnh Hòa Bình). Mạng lưới các cơ quan nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ ở một số ngành kinh tế - kỹ thuật từng bước được hoàn thiện, như: Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học - Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ; Trung tâm giống cây trồng vật nuôi và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế,... Tuy nhiên, do cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ nên phần lớn các cơ quan này chưa đủ năng lực và triển khai có hiệu quả việc ứng dụng các sản phẩm CNSH vào thực tiễn sản xuất, đời sống.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng chống các loại dịch bệnh, tạo các chế phẩm sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong lĩnh vực y dược, ứng dụng khoa học và công nghệ nói chung, CNSH nói riêng được tăng cường và có những đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giai đoạn 2015-2020, công tác tiêm chủng luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hằng năm đạt trung bình trên 96% số trẻ dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, triển khai nhiều loại vắc xin dịch vụ khác. Nhờ vậy, các ca bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt, nhiều năm không phát hiện các ca ho gà, bạch hầu, uốn ván sơ sinh,… Đã thanh toán bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi. Trong chẩn đoán và điều trị bệnh đã ứng dụng nhiều thành tựu CNSH. Đưa vào sử dụng một số thiết bị như: Máy cấy máu, máy cấy và định danh kháng sinh đồ tự động để chẩn đoán một số loài vi khuẩn gây bệnh; máy đếm tế bào CD4, theo dõi điều trị HIV.

Lĩnh vực bảo vệ môi trường, việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh vật làm sạch môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường được quan tâm triển khai. Đối với ngành chăn nuôi: Ngoài sử dụng CNSH trong xử lý nước thải, các cơ sở chăn nuôi đã tích cực triển khai áp dụng công nghệ nuôi theo hướng VietGAP với những công nghệ cơ bản: Sử dụng đệm lót sinh học; chương trình khí sinh học; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi, sử dụng chế phẩm EM…góp phần làm giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.

Trong những năm tiếp theo, xác định việc ứng dụng CNSH đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống, các cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, lồng ghép việc ứng dụng và phát triển CNSH vào các chương trình mục tiêu, các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về lĩnh vực công nghệ sinh học; về vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng CNSH đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phổ biến kiến thức và giới thiệu các thành tựu ứng dụng CNSH trong sản xuất, đời sống, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; trong đó quan tâm tuyên truyền các thành tựu về CNSH phù hợp với điều kiện, có khả năng ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh,...Tăng cường công tác quản lý nhà nước về nghiên cứu, ứng dụng CNSH. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tiềm lực khoa học, công nghệ.../.