DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Đẩy mạnh kinh tế rừng phục vụ xuất khẩu

03/03/2023 17:00
Nhằm đẩy mạnh kinh tế rừng phục vụ xuất khẩu, thời gian qua ngành Kiểm lâm và các địa phương đã phối kết hợp chặt chẽ nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai các văn bản liên quan về lĩnh vực chế biến lâm sản đến các doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến lâm sản nói chung và các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tổ chức sản xuất tập trung trong công nghiệp chế biến gỗ liên kết theo chuỗi sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm

Chi cục Kiểm lâm đã triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, phát triển rừng bền vững. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng giống tốt để trồng rừng nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Thực hiện biện pháp thâm canh rừng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của rừng, kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng, từng bước hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung phục vụ chế biến tại các huyện: Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc, Lương Sơn. Kết quả từ năm 2021-2022, toàn tỉnh trồng được 15.185,04 ha rừng trồng tập trung. Đến nay diện tích trồng rừng gỗ lớn 10.300 ha và có 8.500 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Một số đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình thâm canh trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh trồng rừng gỗ lớn như: Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện Mai Châu. Để nâng cao năng lực sản xuất, các địa phương đã liên kết sản xuất, chế biến. Đến năm 2022, diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) của tỉnh được 8.500 ha, chủ yếu do Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình và Công ty Cổ phần Sơn Thủy thực hiện với hình thức trực tiếp hỗ trợ cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng và thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý rừng bền vững.

Hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là chế biến thô, nguyên liệu sản xuất là gỗ rừng trồng; sản phẩm chủ yếu là ván ép, ván bóc, dăm băm và sản xuất, kinh doanh đồ mộc gia dụng. Trong những năm gần đây một số doanh nghiệp đã liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài triển khai chế biến và kinh doanh các sản phẩm gỗ, đồ mộc hoàn chỉnh, các sản phẩm chế biến đã có sự phát triển, đa dạng về chủng loại; số lượng, chất lượng ngày được nâng cao. Hiện toàn tỉnh có 211 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, trong đó có 8 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu lâm sản, thị trường xuất khẩu trực tiếp vào các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Canada với các sản phẩm chủ yếu là ván ép, đồ mộc gia dụng và ván ghép thanh. Trong năm 2022, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 774,2 tỷ đồng, tăng 5,33% so năm 2021 (giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 735,9 tỷ đồng). Khối lượng các sản phẩm xuất khẩu gồm: Đồ mộc 1.570 m3, Ván ép 81.960,3 m3. Trong đó: Xuất khẩu trực tiếp: Đồ mộc 397 m3,, Ván ép 77.226,3 m3; giá trị hàng hóa đạt 735,6 tỷ đồng. (thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Canada); Xuất khẩu gián tiếp (qua trung gian): Đồ mộc 1.173 m3; Ván ép 4.734 m3; giá trị hàng hóa 38,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên hiện nay, trên địa tỉnh quy hoạch vùng gỗ nguyên liệu tập trung còn manh mún, các doanh nghiệp mua gỗ từ nhiều nguồn khác nhau dẫn đến thiếu chủ động về nguyên liệu đưa vào sản xuất. Hình thức tổ chức sản xuất tập trung trong công nghiệp chế biến gỗ liên kết theo chuỗi sản phẩm (liên kết dọc), từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu, đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các trung tâm sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, nhất là hàng xuất khẩu tại tỉnh chưa phát triển. Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường đồ gỗ để nắm bắt nhu cầu và các biến động của thị trường còn chưa được quan tâm. Tư duy, nhận thức của nhân dân đối với rừng trồng gỗ lớn còn hạn chế, đặc biệt là quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng (FSC). Các doanh nghiệp sản xuất chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu là chế biến thô do vậy tính cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế.

Thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức cho các cá nhân, tổ chức có hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản trên địa bàn; kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động chế biến, kinh doanh lâm sản. Tăng cường khả năng dự báo, cập nhật các quy định, kinh nghiệm của quốc tế về chế biến, xuất khẩu lâm sản để kịp thời ban hành các văn bản, quy định phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương nhằm tạo điều kiện thúc đẩy, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại lâm sản hợp pháp một cách ổn định, lâu dài. Có chính sách hỗ trợ các nguồn lực như: vốn, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, đào tạo nhân lực, quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu... giúp cho các doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương./.