Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, cùng sự kéo dài của dịch Covid-19 làm gia tăng nguy cơ xâm hại tài nguyên rừng. Trước thực trạng đó, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường phối hợp, tổ chức tuần tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Bổ sung 206 phương án phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo an ninh rừng, nhất là rừng phòng hộ. Tiếp tục mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến rừng, thông qua các ứng dụng phần mềm như: phần mềm cập nhật diễn biến rừng FRMS, phần mềm Mapinfo, phần mềm Qgis, máy tính bảng và GPS...
Xác định công tác quản lý cây giống, bảo tồn nguồn gen, khảo nghiệm là hết sức quan trọng và cần thiết. Chi cục Kiểm lâm phối hợp với cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm và lựa chọn các giống cây phù hợp với thổ nhưỡng và đem lại giá trị kinh tế cao. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn để chia sẻ, trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật người nông dân trong quá trình sản xuất cây giống. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đơn vị rà soát tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia sản xuất kinh doanh cây giống, quản lý chặt chẽ quá trình sản xuất, đảm bảo vật liệu cho cây giống phải có nguồn gốc xuất sứ và được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Năm 2020, các cơ sở sản xuất kinh doanh giống trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm và cung cấp ra thị trường được 23 triệu cây giống lâm nghiệp các loại. Lượng cây giống tiêu thụ trong tỉnh chủ yếu là cây keo tai tượng chiếm khoảng 68%; còn lại là các loại cây như Bồ đề, Trẩu, Xoan, Bạch đàn, Mỡ, Dổi và Lát hoa...
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của doanh nghiệp và nhân dân trong công tác quản lý và phát triển rừng. Tỉnh ta đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút mọi lực lượng tham gia, như: Giao khoán rừng cho lao động địa phương, nâng định mức hỗ trợ cho người dân bảo vệ rừng, hỗ trợ nguồn vốn và kỹ thuật trong thâm canh, xen canh, kết nối thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất trồng và chế biến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến, sản xuất ván MDF như: Nhà máy MDF Vinafor- Tân An, nhà máy MDF Phú Thành, nhà máy MDF Mai Châu, với công suất từ 20.000-50.000 m3 ván MDF/năm. Đây là những tiền đề quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với trồng rừng, khai thác, chế biến lâm sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, phục vụ nên lâm nghiệp sản xuất hàng hóa. Qua đó, góp phần đáng kể trong công tác giải quyết việc làm, cải thiện sinh kế từ rừng cho người dân.
Từ những cơ chế, chính sách kịp thời, những mô hình sáng tạo, hiệu quả từ các địa phương, năm 2020, ngành Lâm nghiệp tỉnh đã thực hiện hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch về trồng rừng và giữ độ che phủ của rừng. Toàn tỉnh đã trồng 944.604 cây phân tán, gần 6.300 ha rừng tập trung, vượt 11,24% Kế hoạch năm; triển khai được 98,8% kế hoạch dự án bảo vệ và phát triển rừng thuộc chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững theo Quyết định 613/QĐ-UBND ngày 27/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình, với tổng số vốn được giải ngân là 5,725 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngành đã hoàn thành chỉ tiêu khai thác, đạt trên 6.000 ha rừng tập trung với khối lượng hơn 390 nghìn m3 gỗ; tận thu 205.465,3 ste củi. Khai thác 9.982,5 m3 cây phân tán; 2.317.030 cây bương tre, luồng; 2 tấn nhựa thông; 3.541,1 tấn măng; 90,35 tấn bông chít; 199,93 tấn dược liệu... Tổng thu nhập từ rừng và đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 668 tỷ đồng, tăng 234 tỷ đồng so với năm 2019.
Theo sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã trồng 581,02 nghìn cây phân tán và hơn 4.800 ha rừng trồng tập trung, đạt 85,7% Kế hoạch năm. Thực hiện khai thác khoảng 3.000 ha rừng trồng tập trung với khối lượng trên 230 nghìn m3, tận thu 137,56 nghìn ste củi; 1.863,5 nghìn cây Bương tre, luồng, nứa các loại; 10.845 tấm mắng; 249 tấn mật ong rừng, 4 tấn mộc nhĩ, 427 tấn bông chít và 254,05 tấn dược liệu.
Những kết quả trên là cơ sở để ngành Lâm nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm 2021, phấn đấu hoàn thành sớm và vượt các chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, tập trung xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại trồng rừng kết hợp cây ăn quả, cây công nghiệp... Tạo ra sản phẩm đa dạng đảm bảo lợi ích cho người lao động./.