Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xem đây là giải pháp quan trọng thực hiện cải cách hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1588/QĐ-UBND ngày 14/7/2020 ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trên địa bàn tỉnh, quy định rõ các thủ tục hành chính bắt buộc phải cung cấp trực tuyến theo quy định. Ngoài danh mục bắt buộc, các sở, ngành, địa phương tùy theo điều kiện thực tế, lựa chọn các thủ tục có phát sinh hồ sơ nhiều, có thể cung cấp triển khai trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Đến nay, số liệu Cổng dịch vụ công tỉnh ghi nhận các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cung cấp tổng cộng 821 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (cấp tỉnh 214 dịch vụ công mức độ 3, 509 dịch vụ công mức độ 4; cấp huyện 35 dịch vụ công mức độ 3, 61 dịch vụ công mức độ 4; cấp xã 15 dịch vụ công mức độ 3, 23 dịch vụ công mức độ 4). Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chiếm tỷ lệ khoảng 44% tổng số thủ tục hành chính của tỉnh. Một số ngành có tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cao như Sở Kế hoạch và Đầu tư (85%), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (63%), Sở Xây dựng (50%), Sở Tài Nguyên và Môi trường (50%).
Hiện vẫn còn một số dịch vụ công mới chuyển sang mức độ 3, 4 nên số lượng phát sinh hồ sơ ít hoặc không có. Đến 24/12/2020, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến của các sở, ban, ngành là 11.852 hồ sơ trên tổng số 365.040 hồ sơ tiếp nhận của tổ chức, công dân. Tỷ lệ hồ sở xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đạt khoảng 31%. Một số ngành có tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến cao như Sở Thông tin và Truyền thông (hơn 45%), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (37%), Sở Khoa học và Công nghệ (28%). Đối với cấp huyện: Cao Phong (79%), Lạc Sơn (61%), thành phố Hòa Bình (38%).
Nhằm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó cho phép tổ chức, công dân thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua phương thức trực tuyến, ngay từ đầu năm 2020, Cổng dịch vụ công Hòa Bình thực hiện việc kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến tháng 10/2020, tiến hành triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính được giao dịch qua hình thức thanh toán trực tuyến, được xử lý thành công. Qua sơ kết thí điểm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thống nhất triển khai rộng rãi hình thức thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong thời gian tới.
Để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2566/QĐ-UBND ngày 23/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tiêu hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cho các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải có giải pháp quyết liệt, cụ thể để triển khai thực hiện đảm bảo số hồ sơ đã tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4 đạt ít nhất 20% so với tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong năm. Các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được xem là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan, đơn vị.
Nhìn chung, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được người dân và doanh nghiệp đồng tình và đánh giá cao, tạo thuận lợi, giảm thời gian đi lại. Mức độ và phạm vi cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngày càng được mở rộng với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ, số hồ sơ giao dịch ngày càng tăng cao, đáp ứng chỉ tiêu về cải cách hành chính theo quy định. Tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính của tỉnh./.