DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

31/03/2022 00:00
Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, thực hiện. Qua đó, đã nhận thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường mới được ban hành, liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, người dân và nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong toàn ngành. Từ năm 2017 đến nay, các sở, ngành và địa phương đã tổ chức 70 hội nghị tập huấn, tuyên truyền văn bản pháp luật cho các cơ sở, doanh nghiệp, cán bộ phụ trách môi trường. Bằng nhiều hình thức khác nhau, từ truyền miệng, hội nghị đến tổ chức hội thi, loa truyền thanh ở cơ sở, hình ảnh trực quan, sinh động đã tạo sự gần gũi để người dân dễ dàng đón nhận. Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền là việc tổ chức hiệu quả các ngày lễ về môi trường hằng năm thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của cộng đồng.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tổ chức cáp lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về bảo vệ môi trường. Trong 5 năm, ngành đã tổ chức 5 Hội nghị tuyên truyền và phổ biến Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt; tập huấn 941 lớp tập huấn cho trên 17 nghìn lượt nông dân về phòng trừ sâu bệnh và sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức 1.047 cuộc tuyên truyền trực tiếp và lồng ghép các cuộc họp xóm về bảo vệ thực vật, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho trên 1 triệu lượt người; biên soạn và phát hành được 163 nghìn tờ rơi, 2 nghìn poster hướng dẫn về các biện pháp phòng trừ các loại sâu bệnh hại chính, hướng dẫn thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, sử dụng nước tiết kiệm... Với nội dung tuyên truyền thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn

Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp thường xuyên lồng ghép phong trào, mô hình bảo vệ môi trường với chương trình công tác của đoàn, hội, đội. Các địa phương chủ động gắn Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đưa tiêu chí xây dựng khu xóm, dân cư, xã, thị trấn “Xanh - Sạch- Đẹp” là một trong những tiêu chuẩn để bình xét hộ gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã duy trì và thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, mô hình “Nhà tiêu hợp vệ sinh”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”; Đoàn thanh niên đã hướng dẫn, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia bảo vệ môi trường hưởng ứng Tết trồng cây, Ngày môi trường thế giới, tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày Thứ 7 tình nguyện” “Đoạn đường thanh niên tự quản về Môi trường”. Nhiều mô hình “Khu dân cư tự quả bảo vệ môi trường” đã phát huy hiệu quả tốt và được nhân rộng ở nhiều nơi. Thông qua các mô hình, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường ngay tại gia đình. Qua đó giúp bà con hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định về thu gom, phân loại, xử lý rác thải; người dân tích cực tham gia trồng cây xanh, trồng đường hoa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; các hộ gia tham gia ký cam kết không xả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi  trực tiếp ra môi trường.

Bắt kịp xu hướng phát triển, tỉnh đã triển khai giải pháp quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000. Đây được xem là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực kiểm soát đầu vào và quá trình sản xuất để giảm thiểu chất thải, chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Áp dụng ISO 14000 không chỉ nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong mắt khách hàng và người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật khi thâm nhập thị trường nước ngoài. Trước nhu cầu của thực tế, các sở, ngành trong tỉnh đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều hội nghị đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức về áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, sử dụng hệ thống quản lý chất lượng cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Các tổ chức, cá nhân được tiếp cận và triển khai tiêu chuẩn mới, qua đó giúp các sản phẩm khi đưa ra thị trưởng có sức cạnh tranh và tăng lợi nhuận.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã thu được những kết quả nhất định. Nhận thức trách nhiệm về công tác bảo vệ môi trường của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã được nâng lên đáng kể. Các địa phương duy trì hiệu quả các mô hình “Khu dân cư tự quản” hình thành thói quen, nếp sinh hoạt gìn giữ, bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở doanh nghiệp có nhiều chuyển biến rõ rệt./.