DetailController

Kinh tế

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

02/03/2022 00:00
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững. Quan tâm giải quyết về vốn, đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Mô hình liên nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn đem lại thu nhập cao cho bà con Nông dân

Tỉnh đã xác định các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của các địa phương để đầu tư phát triển, bước đầu đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng Cam tại huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi; vùng Bưởi đỏ, Bưởi da xanh tại huyện Tân Lạc; vùng Bưởi diễn tại huyện Yên Thủy, Lương Sơn; rau Susu Tân Lạc, Mai Châu; vùng Tỏi tía Mai Châu, rau hữu cơ huyện Lương Sơn; và một số sản phẩm khác như sản phẩm Nhãn, Khoai sọ, Mía tím, cây dược liệu, cây hoa,...; thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất; Rà soát được 24 vùng và khu sản xuất trồng trọt ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ tại trên địa bàn các huyện, thành phố với tổng diện tích là 1.253 ha để mời gọi đầu tư. Đề xuất vùng trồng cây ăn quả đăng ký xuất khẩu: 04 Vùng trồng cây ăn quả có múi tại các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Cao Phong; 1 vùng trồng nhãn tại xã Sơn Thủy, huyện Kim Bôi và 01 vùng trồng na tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy); đăng ký 04 cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng kế hoạch dồn điền đổi thửa trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2020, định hướng 2025 tạo tiền đề xây dựng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và phát triển rừng được quan tâm, quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có là 236.582,71ha (gồm 141.614,03 ha rừng tự nhiên và 94.968,68 ha rừng trồng) trên địa bàn tỉnh; duy trì độ che phủ ổn định trên 51%. Năm 2021, toàn tỉnh đã trồng được 7.189,72 ha rừng trồng tập trung, đạt 117,93% kế hoạch và 1.050.989 cây phân tán, đạt 134,39% kế hoạch. Triển khai thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh; Quy định phân cấp, phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ yếu là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những mô hình chuyển đổi theo hướng cánh đồng lớn, có giá trị cao, quy mô lớn như: Mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm tại huyện Kim Bôi; trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu/ha/vụ tại huyện Kỳ Sơn, Kim Bôi; mô hình trồng lặc lày thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ tại huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn; mô hình trồng bí xanh, bí đỏ, dưa hấu thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ tại huyện Yên Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn; mô hình trồng mía thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm tại huyện Cao Phong, Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, đã hình thành các mô hình liên kết có hiệu quả: Mô hình trồng ớt xuất khẩu tại Lạc Sơn, Lạc Thủy; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dưa chuột Nhật, mía nguyên liệu, Cà gai leo, Bí xanh, ngô ngọt, đậu rau... tại Yên Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi; liên kết sản xuất hạt giống mướp đắng, bí xanh tại Đú Sáng - Kim Bôi, Độc Lập - Kỳ Sơn; mô hình trồng rau an toàn áp dụng công nghệ cao của Công Ty An Nhiên Foods tại huyện Kỳ Sơn; mô hình liên nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn; mô hình liên kết 50/50 trong sản xuất cây ăn quả có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, ATTP tại Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc; mô hình sản xuất gắn với sơ chế, bảo quản nông sản của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà sản xuất cây ăn quả có múi tại huyện Cao Phong. Toàn tỉnh đã hình thành một số liên kết giữa các doanh nghiệp với chủ rừng như Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, Công ty Cổ phần Sơn Thủy, các doanh nghiệp này đã hỗ trợ cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng và thực hiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và quản lý rừng bền vững, mời các tổ chức trong nước và quốc tế thẩm tra, xem xét cấp chứng chỉ rừng (FSC) cho khoảng 11 nghìn ha.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai thực hiện theo kế hoạch, đến nay 100% các huyện, thành phố đã triển khai chuẩn hoá các sản phẩm OCOP, trong năm có thêm 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nâng sản phẩm OCOP cấp tỉnh là 90 sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP được triển khai thực hiện là các chủ thể, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua chương trình, nhiều sản phẩm hàng hoá mang tính chất đặc sản, đặc thù vùng miền đã phát triển, hoàn thiện về chất lượng và mẫu mã sản phẩm, qua đó đã được giới thiệu tới tay người tiêu dùng, được thị trường đón nhận, góp phần phát triển kinh tế cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số./.