DetailController

Khoa học - Môi trường

Đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất trồng trọt

10/06/2021 00:00
Trong những năm qua, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy sản xuất tập trung.
Tới nay, tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn đạt trên 60%

Đến năm 2020 tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất của tỉnh Hòa Bình đã đạt trên 90%; tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn đạt trên 60%; tỷ lệ tưới tiêu chủ động bằng các máy bơm công suất lớn trong sản xuất cây có múi đạt trên 90%; bước đầu ứng dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái (UAV) cho cây lúa, cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên việc áp dụng cơ giới hóa ở nhiều khâu còn thấp, thiếu đồng bộ như: Cơ giới hóa trong chăm sóc, thu hái, sơ chế, bảo quản nông sản vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như yêu cầu của một nền nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại.

Để tăng cường đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất trồng trọt; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa theo Kế hoạch số 141/KH-UBND ngày 06/11/2018 và Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 01/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu, giao thông nội đồng tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp; thực hiện áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào cơ giới hóa nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường. Tập trung chỉ đạo, xây dựng vùng sản xuất tập trung, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về thổ nhưỡng, cây trồng của địa phương để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Khuyến khích, mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo quy mô lớn, quy mô công nghiệp để thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Trong đó, dựa trên từng đối tượng cây trồng, từng vùng sản xuất cụ thể để áp dụng các giải pháp về cơ giới hóa cho phù hợp. Đối với cây lúa: Tập trung vào khâu làm đất, với những diện tích đã dồn điền đổi thửa, diện tích chủ động tưới tiêu đẩy mạnh việc đưa các giải pháp máy cấy lúa, máy sạ hàng cho vùng gieo sạ; sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn. Đối với nhóm cây ăn quả: Ứng dụng các giải pháp tưới nước, bón phân bằng công nghệ tự động; sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong phun thuốc bảo vệ thực vật; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, vận chuyển, lọc, rửa quả, sơ chế, đóng gói và bảo quản sản phẩm.

Với nhóm cây rau màu: Tập trung cơ giới hóa trong khâu làm đất, tưới nước, bón phân bằng các công nghệ tự động, áp dụng các giải pháp tiên tiến trong khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển sản phẩm.

Với cây mía, cây ngô: Tập trung cơ giới hóa vào khâu làm đất, khâu thu hoạch, vận chuyển, sơ chế sản phẩm. Những diện tích trồng tập trung ứng dụng thiết bị bay không người lái trong bảo vệ thực vật.   

Với cây chè: Mở rộng diện tích thu hái chè bằng máy, ứng dụng các biện pháp tưới nước, bón phân bằng công nghệ tự động. Đưa các dây truyền công nghệ tiên tiến vào khâu chế biến, đóng gói sản phẩm.

Với nhóm cây dược liệu: Đưa các dây truyền, công nghệ tiên tiến vào sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.