Đối với các tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, thông qua chuyển đổi số, sẽ số hoá quá trình sản xuất, nuôi trồng sử dụng các công nghệ IOT, AI; ứng dụng blockchain để truy suất nguồn gốc; sử dụng thương mại điện tử để tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh; sử dụng các công nghệ thanh toán điện tử. Năm 2020, tỉnh Hòa Bình có 391 Hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 294 HTX Nông nghiệp (chiếm 75%), còn lại là các HTX phi nông nghiệp. Tỷ lệ HTX hoạt động tốt và khá đạt 66%. Mức độ cơ giới hóa, đặc biệt trong khâu thu hoạch đã và đang được cải thiện đáng kể ở nhiều HTX trong tỉnh, nhất là trong sản xuất cây ăn quả có múi như tại Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy…; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tưới phun, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh góp phần giảm công lao động trong sản xuất. Nhiều HTX được phép sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam quả; nhãn hiệu tập thể Mía tím Hòa Bình, Hạt dổi Lạc Sơn, quả lặc lày và rau hữu cơ của huyện Lương Sơn, Bưởi đỏ Tân Lạc, Cam Lạc Thủy, Nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, Su su Tân Lạc…, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương, thúc đẩy khâu tiêu thụ sản phẩm. Đã có 46 sản phẩm của 39 HTX đạt OCOP cấp tỉnh với 9 sản phẩm đạt 4 sao và 37 sản phẩm đạt 3 sao, được đăng nhập và quảng bá trên hệ thống hb.check.net.vn. Nhiều HTX triển khai và dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm như: cam Cao Phong, cam Mường Động, Bưởi đỏ Tân Lạc, chuỗi cá Sông Đà, chuỗi thịt lợn, chuỗi rau an toàn… Có được kết quả này một phần nhờ vào các hoạt động đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật nói chung và công nghệ số nói riêng.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Theo Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh ta xác định phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân,doanh nghiệp và HTX về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Khuyến khích, phát triển doanh nghiệp, HTX công nghệ số, bao gồm cả doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số, các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội tạo ra để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Từng bước đưa chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp, HTX. Triển khai các chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng số. Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người quản lý, người lao động và cung cấp khóa học đại trà trực tuyến cho tất cả người dân.
Tuy nhiên hiện nay, quá trình chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX diễn ra còn chậm, quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ chưa cao, hàm lượng khoa học thấp, khả năng tiếp nhận khoa học công nghệ yếu. Qua đánh giá sơ bộ, hiện có trên 40% số HTX trong tỉnh chưa sẵn sàng sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ và ứng dụng, đổi mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do không đủ điều kiện về tài chính, đất đai, nhà xưởng và năng lực vận hành. Có trên 45% HTX sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là phần mềm kế toán, gửi nhận thư điện tử và phần mềm chạy máy CNC cho các sản phẩm đồ gỗ, mây tre), nhưng chỉ 40% trong số này có máy tính kết nối internet, tập trung ở một bộ phận HTX trẻ, mới thành lập. Số HTX có website quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại chỉ khoảng 3%. Nhìn chung, kỹ năng về thương mại điện tử, tìm kiếm, đánh giá và quản lý thông tin thị trường của HTX chỉ ở mức thấp. Nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn trên là do: Nguồn lực tài chính đầu tư vào đổi mới, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật của các HTX còn thấp, trên 72% số HTX có quy mô vốn siêu nhỏ dưới 1 tỷ đồng nên khó tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, năng lực thay đổi thích ứng với xu thế của cán bộ quản lý các HTX còn thấp (25,3% cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học, hầu hết ở trình độ sơ cấp và trung cấp), năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật rất hạn chế. Đa phần các HTX thực hiện sản xuất kinh doanh cái mình có, đã quen làm mà chưa chủ động thay đổi, thích ứng với nhu cầu thị trường, tập trung tại các HTX đã thành lập lâu năm, cán bộ quản lý cao tuổi ngại thay đổi. Lực lượng lao động tại các HTX chủ yếu làm việc theo phương thức truyền thống, không chỉ thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc mà còn thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh …
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch COVID 19 hiện nay, các tổ chức kinh tế tập thể muốn tồn tại phát triển không thể không chuyển đổi số. Tuy nhiên chuyển đổi số cần phù hợp với từng HTX về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực…Do đó chuyển đổi số có thể đơn giản là số hoá, website, thương mại điện tử hoặc đơn thuần là chuyển từ lao động tay chân sang tự động hoá…Một số giải pháp để chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX tỉnh Hòa Bình trong thời gian tới đó là: Thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ. Đào tạo, kiện toàn nội bộ. HTX cần chủ động tự đổi mới, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực trình độ đội ngũ cán bộ quản trị HTX, đặc biệt là người đứng đầu HTX…Kết nối HTX với nền tảng chuyển đổi số. Hỗ trợ, khuyến khích HTX chuyển đổi số, tổ chức các hoạt động tham quan học tập mô hình chuyển đổi số hiệu quả trong khu vực kinh tế tập thể. Lồng nghép các nội dung đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX, trong đó cập nhật, phổ biến những xu thế ứng dụng công nghệ số mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh./.