DetailController

Tin từ các đơn vị

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong Ngành Giáo dục

16/12/2021 00:00
Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi rất nhiều hoạt động trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Theo đó, các phương thức giảng dạy cũ không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của xã hội. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, khi dịch Covid 19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến mọi hoạt động xã hội; thì những mô hình giảng dạy mới như đào tạo trực tuyến, dạy qua truyền hình đang phát huy hiệu quả cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu dậy và học của học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh.

Thích ứng kịp thời với nhu cầu của xã hội, Ngành Giáo dục tỉnh đã chuẩn bị cơ bản đầy đủ các điều kiện nhằm triển khai thực hiện các hoạt động dạy học trong tình hình mới. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Ưu tiên các nội dung học sinh có thể tự học, tự nghiên cứu như: đọc sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để trả lời các câu hỏi, bài tập được giao. Ngành đã xây dựng các bài học, kho dữ liệu điện tử phục vụ nhu cầu người dạy, người học; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo thực hiện theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.

Bên cạnh đó, Ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong nhiệm vụ dạy và học, bao gồm: Ứng dụng công nghệ trong lớp học, ứng dụng công nghệ trong phương pháp dạy học và ứng dụng công nghệ trong quản lý giáo dục. Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, trên truyền hình, xây dựng các bài học điện tử để giao cho học sinh thực hiện các hoạt động phù hợp trên môi trường mạng.

Nhằm tạo cơ hội cho học sinh rèn luyện và phát triển các nhóm kỹ năng mục tiêu cần thiết trong quá trình học tập như: Kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng tư duy phản biện; phát huy khả năng sáng tạo, các phẩm chất, năng lực của học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã lên kế hoạch tổ chức ngày hội STEM trong giáo dục Trung học. Đồng thời huy động, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân về việc triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh. Phối hợp tổ chức “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 qua đó đã lựa chọn được một số sản phẩm tiêu đi tham dự “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp toàn quốc, năm 2021 (SV-STARTUP 2021) như: Dự án “Giải pháp phần mềm quản lý học sinh trong trường phổ thông dân tộc nội trú”; Dự án “Homestay Kỳ Sơn, thành phố Hòa Bình”; Dự án “Thùng rác tự động thông minh”; Dự án “Một số đồ dùng cá nhân l m từ tre”. Đây là những dự án tiêu biều của các em học sinh trên địa bàn tỉnh, thể hiện sự chủ động đặt vấn đề về đổi mới, sáng tạo trong giáo dục từ đó động viên, khuyến khích các em có định hướng xây dựng dự án, ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

 Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, ngành Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền trên địa bàn; sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các Sở, Ban. Cùng với đó là sự tâm huyết, nhiệt tình, đầy trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giáo viên. Qua đó, đã nâng cao chất lượng dạy và học trong tỉnh, bắt kịp với nhu cầu của xã hội.

Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, góp phần vào công cuộc thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030, Ngành Giáo dục cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm thông suốt về tư tưởng và quyết tâm hợp lực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành; hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các địa phương; hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; đổi mới các thành tố của quá trình dạy học theo hướng thông minh, đó là: mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức... theo hướng tập trung vào người học./.