Đã từng được kỳ vọng là loại cây mũi nhọn trong xoá đói giảm nghèo ở các xã Trung Thành, Yên Hoà, Đồng Ruộng. Nhưng một “cuộc cách mạng xanh” trong nông nghiệp ở các xã vùng cao của huyện Đà Bắc còn gặp nhiều khó khăn.
“Cây chè là loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở các xã vùng cao này. Ngay từ những năm 1967, cây chè đã được người dân trồng với diện tích lớn và trở thành một sản phẩm hàng hoá đặc trưng của các xã vùng cao Trung Thành, Yên Hoà.
Ông Hà Văn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Hoà dường như vẫn còn nuối tiếc những ngày vui rộn rã khắp các nương chè: Ngày đấy mình còn trẻ, vui lắm. Những lúc trên nương chè chẳng mấy khi ngớt tiếng nói cười. Thời kỳ đấy vùng trên này được Nhà nước đầu tư trồng hàng chục ha chè và thành lập cả Hợp tác xã (HTX), xưởng chế biến chè được đặt ở xóm Bay, xã Trung Thành. Chè khô sản xuất ra chủ yếu để cung cấp cho các cửa hàng mậu dịch trong tỉnh bán phân phối. Bình quân mỗi năm HTX chè Trung Thành - Yên Hoà cung ứng khoảng 10 tấn chè búp khô. Sau này chuyển cơ chế thị trường, HTX chè giải thể, xưởng chè bị phá, hàng chục ha chè thì bị bỏ hoang mọc xen với lau, cỏ.
Ông Hoàng Quang Minh, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH - HĐND tỉnh, nguyên Phó Ban Dân tộc cho biết: Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây chè ở đây cũng được đánh giá cao về chất lượng. Trong những năm bao cấp, sản phầm chè Trung Thành - Yên Hoà không chỉ được phân phối cho nhân dân trong tỉnh thông qua hệ thống cửa hàng mậu dịch mà nó cũng được đưa về một số địa phương lân cận.
Cuối những năm 1980, một số hộ dân ở Hà Tây lên khai hoang thành lập xóm Quyết Tiến trên đất Yên Hoà đã chia nhau tiếp quản, chăm sóc hàng chục ha chè bị bỏ hoang hoá. Chị Nguyễn Thị Phương kể: Khi mới lên đây rừng núi còn âm u, cây cối rậm rạp, chỉ có đường mòn mà đi bộ. Lên đây cuộc sống cũng khổ cực chẳng kém gì ở quê. Nhưng bù lại chúng tôi được thừa hưởng hàng chục ha chè trước đó người dân địa phương trồng rồi bỏ hoang hoá. Bên cạnh cây ngô thì cây chè đã giúp các hộ gia đình ở đây dần dần ổn định cuộc sống. Những năm đó, chúng tôi hái chè tự sao theo phương pháp thủ công rồi đóng gói mang về dưới xuôi tiêu thụ. Về đến bến xe Ba La (Hà Đông) chỉ nói là chè Đà Bắc là người ta tranh nhau mua hết, thậm chí có khi người còn hẹn đặt hàng trước.
Năm 2001 thực hiện đề án 1119/1999/UBND của UBND tỉnh về “Khôi phục, phát triển quy hoạch vùng chè shan tuyết của tỉnh Hoà Bình”, Chi cục định canh định cư (nay thuộc Ban Dân tộc) đã đưa cây chè shatoo tuyết lên các xã Trung Thành, Yên Hoà, Đoàn Kết, Đồng Ruộng... trồng theo mô hình phòng hộ với ý tưởng vừa trồng chè, vừa trồng rừng phòng hộ. Sau ý tưởng này được nâng lên phát triển vùng chè trồng theo mô hình sản xuất với mật độ từ 1 vạn đến 1,2 vạn cây/ha. “Mô hình trồng chè sản xuất mặc dù đã được tuyên truyền bằng nhiều cách như tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, thậm chí dùng chính hiệu quả của các hộ gia đình trên địa bàn tham gia mô hình ở các thôn xóm để tuyên truyền. Nhưng do nhận thức của người dân hạn chế nên khi mô hình rút là người dân cũng không áp dụng. Nếu người dân biết áp dụng, mở rộng mô hình thì hiệu quả rất cao”, ông Lê Ngọc Quản, Phó Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh. Trên thực tế cây chè đã không trở thành “cây xoá đói giảm nghèo” ở các xã vùng cao huyện Đà Bắc. Theo ông Nguyễn Minh Hoà, Phó Giám đốc Công ty Phương Huyền thì: Năm 2006, Công ty đã mạnh dạn vào đầu tư thu mua sản phẩm chè búp tươi của người dân các xã Yên Hoà, Trung Thành nhưng thực tế hiệu quả không cao. Mặc dù vùng chè ở các xã có diện tích khá lớn như ở Yên Hoà có đến 150ha, Trung Thành có 67ha, Đồng Ruộng có 12,1ha... Nhưng chỉ có 1/3 số hộ có chè bán cho công ty còn hầu hết số diện tích chè còn lại người dân vẫn duy trì trồng theo mô hình phòng hộ. Trồng theo mô hình này thì hoàn toàn không thể tính đến yếu tố kinh tế.
Theo tính toán, mỗi hộ chỉ cần có khoảng 2 nghìn đến 5 nghìn m2 chè sản xuất thì quanh năm làm không hết việc. Vì với cây chè có thể thu hái liên tục từ 6 - 8 tháng trong năm, nếu đầu tư tốt trung bình mỗi tuần hái một lứa. Tính ra giá trị kinh tế từ việc làm chè lãi gấp 2 - 3 lần làm ngô. Đầu tư cho cây chè ở vùng Yên Hoà, Trung Thành là đúng hướng nhưng trên thực tế những người tiếp nhận, triển khai thì còn nặng tư tưởng, trông chờ, ỷ lại, chưa nhận thức đúng vai trò của cây chè đối với gia đình mình. Trên thực tế, những hộ trồng chè như gia đình ông Hà Văn Thành, Xa Văn Đức ở xóm Lang, gia đình chị Nguyễn Thị Phương, gia đình Lý Văn Quang xóm Quyết Tiến (Yên Hoà), gia đình ông Lường Văn Hậu ở xóm Búa (Trung Thành)...vẫn luôn có cuộc sống ổn định với cây chè từ nhiều năm qua. Chị Nguyễn Thị Phương cho rằng: Nếu có đầu ra ổn định cho chè với giá cả thu mua hợp lý, làm giàu thì chưa tính đến nhưng để thoát nghèo bền vững thì đó không phải là mục tiêu xa vời.