Trong giai đoạn 2017-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh và đem lại hiệu quả thiết thực. Thông qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đã tiếp nhận và cho hơn 30.000 lượt khách hàng vay vốn gần 1.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Đồng thời, hỗ trợ 406 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng. Để mở rộng quyền lợi và đối tượng được hưởng BHYT, tỉnh đã cấp hơn 500.000 thể BHYT miễn phí cho người nghèo, người được hưởng chính sách giúp họ được tiếp cận tối đa với các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Năm 2019, sau khi triển khai Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh, đã hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội đặc biệt đã từng bước giảm nghèo tại địa phương. Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 11.36%.
Nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tỉnh luôn chú trọng công tác giải quyết việc làm, giải quyết chính sách về lao động, tiền lương, BHXH, BHTN, phấn đấu mức lương bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2019, đã giải quyết chế độ BHTN cho 4.200 lao động, tổng kinh phí là 44,5 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, có 60 lượt doanh nghiệp đến địa phương để tuyển chọn lao động tại địa phương. Mỗi năm giải quyết việc làm trong nước cho gần 18.000 lao động, cấp phép cho hơn 20 lao động là người nước ngoài, xuất khẩu lao động đi làm có thời hạn ở nước ngoài đạt từ 300-400 lao động/năm. Bên cạnh đó, tỉnh chủ trương phát triển giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất. Cuối năm 2019, đã có 16.000 đối tượng được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,2%, tỷ lệ học nghề có việc làm đạt 85%.
Công tác bảo trợ xã hội được thực hiện tích cực và có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện nay có gần 24.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội và trên 25.000 gia đình, cá nhân chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp. Thông qua chương trình “Cặp lá yêu thương” được thực hiện trên địa bàn tỉnh, đã giúp 34 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được các nhà hảo tâm, doanh nghiệp nhận hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng mức hỗ trợ 400.000 đồng/tháng. Ban Công tác người khuyết tật tỉnh đã phối hợp với Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng của Bộ LĐ,TB&XH để chỉnh phẫu thuật miễn phí cho 65 người, trong đó có 46 trẻ em.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn ngày càng được nâng lên, công tác an sinh xã hội được tăng cường. Tỉnh chủ trương gắn phát triển kinh tế gắn với giải quyết vấn đề xã hội đã thúc đẩy sự phát triển bền vững, đảm bảo bình đẳng, công bằng. Nhân dân được tiếp cận với những tiến bộ trong sản xuất, kinh doanh, giáo dục và y tế. Đồng thời, tạo ra nhiều việc làm, để người dân từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là người dân nông thôn và miền núi./.