DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Đà Bắc : Phục tráng thành công giống lúa thuần chất lượng cao ĐS1 tại Mường Chiềng

05/07/2012 00:00
Những năm trở lại đây, các xã trọng điểm lúa của huyện Đà Bắc đã chuyển sang thâm canh những giống lúa thuần bởi sự xuất hiện của những bộ giống lúa thuần năng suất cao, giá thành rẻ, chịu rét tốt, kháng sâu bệnh mà không phụ thuộc nhiều vào thuốc hoá học bảo vệ được môi trường sinh thái,...
Việc thay thế các loại giống lúa lai bằng các loại giống lúa thuần chất lượng cao, phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của địa phương nhằm đảm bảo giá trị kinh tế cao cho cây lúa, duy trì an ninh lương thực trên địa bàn.

Nổi bật nhất là giống lúa BC-15, TBR- 45, TBR-1 đặc biệt là giống lúa thuần chất lượng cao ĐS-1 hạt to tròn, thơm ngon đã nhanh chóng lấn lướt giống lúa lai trong cơ cấu giống lúa ở Mường Chiềng nói riêng và huyện Đà Bắc nói chung. ĐS1 là giống lúa thuộc loài Japonica thường được trồng ở vùng ôn đới ,được Viện Di Truyền Nông Nghiệp chọn tạo, nhân giống và khảo nghiệm từ những năm 2001 cho tới nay ĐS1 đã trở thành “ nhân vật tên tuổi’’ không chỉ ở đồng bằng sông Hồng mà ở cả các tỉnh miền núi phía Bắc. Năng suất bình quân đạt 65- 75 tạ/ha. Nhưng việc bà con nông dân sử dụng lại quá nhiều lần lúa vụ trước để làm giống cho vụ sau dần dẫn tới sự thoái hóa giống, làm giảm năng suất và chất lượng hạt gạo. Trước tình hình đó ,vụ xuân 2012 trạm Khuyến nông huyện Đà Bắc phối hợp với UBND xã Mường Chiềng triển khai mô hình phục tráng lại giống lúa thuần chất lượng cao ĐS1, nhằm tạo lại được bộ giống thuần chủng ổn định năng suất và chất lượng cho bà con trong xã và các vùng lân cận trong toàn huyện. Mô hình được thực hiện từ tháng 2 đến tháng 6 taị xã Mường Chiềng ,quy mô 0,5 ha với 25 hộ tham gia. Dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ trạm Khuyến nông ,nông dân được áp dụng kỹ thuật phục tráng theo phương pháp chọn quần thể, đây là phương pháp truyền thống chủ đạo của nông dân nhằm đề cải tiến giống, phương pháp này là loại bỏ những cây bị lẫn, cây khác dạng trong quần thể được thực hiện ở 3 giai đoạn chính : giai đoạn đẻ nhánh, trỗ và giai đoạn chắc xanh- chín. Là mô hình phục tráng mục tiêu đề ra chọn lại bộ giống, việc phục tráng phải tiến hành ít nhất qua 2 vụ mới có thể đưa giống trở lại những đặc tính tốt như ban đầu, nhưng qua quá trình thực hiện và đánh giá kết quả thấy rằng ruộng mới chỉ được chọn tạo khử lẫn vụ đầu và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đã khử lẫn tới 90 % các loại lúa tạp, hạt lúa tròn, chắc mẩy, sáng màu, bông chín đều, bước đầu có thể dùng làm giống. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng hạt giống cần tiếp tục phục tráng thêm 1-2 vụ nữa ĐS1 sẽ trở lại những đặc tính tốt như: bộ lá cứng và đứng, chịu rét tốt, chất lượng gạo thơm ngon, tỷ lệ gạo đạt 70 %, kháng nhiều sâu bệnh.

Qua đánh giá thực tế của các hộ tham gia thực hiện cho thấy, mới chỉ cải tiến qua 1 vụ nhưng ĐS1 đã thể hiện đúng những ưu việt của giống như khi mới được Trạm Khuyến nông huyện đưa về, bà con nông dân rất hài lòng với những giống lúa thuần chất lượng cao như BC15, ĐS1 bởi năng suất ổn định, hạt gạo to tròn, thơm ngon bán được giá từ 16.000- 19.000đ/kg, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đặc biệt khi thâm canh lúa thuần bà con có thể sử dụng lại nhân giống vụ sau tiết kiệm được một phần chi phí sản xuất. Ông Xa Mạnh Hùng- chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho rằng: “ hiệu quả kinh tế là yếu tố quan trọng nhất chi phối sự lựa chọn của bà con nông dân. Việc thay thế các loại giống lúa lai bằng các loại giống thuần chất lượng cao, phù hợp khí hậu thổ nhưỡng của địa phương là sự lựa chọn tất yếu và phù hợp, nhằm đảm bảo giá trị kinh tế cho cây lúa, duy trì an ninh lương thực trên địa bàn. Chính vì vậy khi mô hình phục tráng giống lúa thuần ĐS1 thành công người dân sẽ yên tâm sản xuất với bộ giống mà mình đã lựa chọn ”

Mô hình kết thúc đã sản xuất được khoảng 3.500 kg giống đạt tiêu chuẩn giống xác nhận phục vụ sản xuất ngay tại vụ mùa. Kỹ thuật phục tráng giống lúa tuy có phức tạp nhưng nông dân hoàn toàn có thể tự làm được khi được hướng dẫn chi tiết kỹ thuật. Với việc nông dân tham gia phục tráng giống sẽ góp phần tích cực trong việc bảo tồn,phát triển các nguồn gen quý vào sản xuất. Ngoài ra bà con có thể tự sản xuất, chủ động được giống lúa thuần chủng để gieo cấy.