Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là nhà kiến tạo vĩ đại. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người tuyên bố: "Công việc phá hoại xong rồi. Nay bước đầu công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết” và việc đầu tiên phải kiến thiết là xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, một nền hành chính phục vụ nhân dân. Điều cần nói là, ngay từ khi bắt tay vào việc tạo dựng chính thể mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hướng tới mô hình chính quyền tinh gọn, hiệu quả và việc chấn chỉnh biên chế đã được Người sớm đặt ra.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả
Với quan điểm bộ máy Nhà nước là công cụ hữu hiệu để phục vụ nhân dân chứ không phải là gánh nặng cho nhân dân, ngoài đặc tính cách mạng, nhân văn và pháp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tính hiệu quả, tinh gọn của bộ máy hành chính (BMHC) Nhà nước.
Thứ nhất, xác định tiêu chí của một BMHC tinh gọn, hiệu quả làm căn cứ cho công tác thực tiễn.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết đó phải là bộ máy ít bộ - ngành, ít tầng nấc trung gian, ít cán bộ nhưng vẫn thực hiện tốt chức năng QLNN trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Song song với việc thiết lập BMHC T.ư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo xây dựng UBND các cấp theo phương châm gọn nhẹ về tổ chức, rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ. Luôn đề cao nguyên tắc tinh gọn, Ban thanh tra đặc biệt - tiền thân của Ban Thanh tra Chính phủ hiện nay - do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập vào tháng 11/1945 cũng chỉ gồm 2 người; bộ phận giúp việc trực tiếp của Người trong kháng chiến chống Pháp chỉ có 8 người và sau năm 1954 cũng chỉ có hơn 10 người.
Ngoài đặc tính "ít mà tốt”, tính hiệu quả của BMHC còn thể hiện ở khả năng tương tác giữa các bộ phận chức năng sao cho giữa họ vừa có sự phân định nhiệm vụ rõ ràng, vừa có sự phối hợp "ăn ý”. Với tư duy khoa học và lòng tôn trọng mỗi con người, mỗi công việc trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy. Thiếu một người nào hay có một người không làm tròn nhiệm vụ là hỏng cả”. Tinh gọn tức là không có ai thừa ra trong bộ máy đó, đồng bộ tức là hoạt động của một người, một bộ phận sẽ tác động đến sự vận hành của cả một bộ máy, hiệu quả tức là ít người mà làm được nhiều việc - đó là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về BMHC tinh gọn, hiệu quả.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm đặt ra yêu cầu phải chấn chỉnh biên chế, sắp xếp lại BMHC.
Với óc quan sát tinh nhạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận ra các biểu hiện đi ngược lại tiêu chí về bộ máy tinh gọn mà mình đã đặt ra. Vì thế, vào tháng 8-1951 - thời điểm mà BMHC của ta nhìn chung còn nhỏ gọn, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố chủ trương "Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân và thêm lực lượng vào công việc tăng gia sản xuất”. Năm 1952, nói chuyện với cán bộ quân nhu, Người chính thức đưa ra khái niệm tinh giản bộ máy. Người nói rõ việc tinh gọn phải diễn ra trong toàn hệ thống chính trị chứ không chỉ trong các cơ quan hành chính. Như vậy, vấn đề giảm biên chế đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra một cách quyết liệt với mục tiêu không chỉ "cắt bỏ cơ học” lao động dôi dư mà còn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Người nhìn nhận tác dụng của công tác giảm biên không chỉ ở góc độ kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa và đạo đức khi nó buộc cán bộ phải hoàn thiện mình về mọi mặt, phải nâng mình ngang tầm nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu của tổ chức, mong muốn của nhân dân.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra hệ thống giải pháp hữu hiệu để xây dựng BMHC tinh gọn, hiệu quả.
Theo phương châm "muốn lúa tốt phải diệt cỏ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm cách nâng cao tính tích cực của nhân tố con người và triệt tiêu những nguyên nhân làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong công tác cán bộ. Cụ thể là:
Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao quyết tâm sửa đổi lối làm việc của đội ngũ CB, CC: Để có một BMHC thực sự tinh gọn, hiệu quả, công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước phải làm cho đội ngũ CB, CC ý thức sâu sắc về vai trò người đầy tớ và bổn phận phải hoàn thành tốt công việc của mình. Khi CB, CC có đạo đức cách mạng, có kỷ luật lao động, có phương pháp làm việc tốt thì một người có thể làm công việc của hai người, một ngày có thể hoàn thành công việc của hai ngày, tức là tính hiệu quả của BMHC sẽ được nâng lên.
Tổ chức bộ máy một cách khoa học, sử dụng nhân lực hiệu quả: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sự cồng kềnh của bộ máy công quyền nhiều khi là do cán bộ làm việc luộm thuộm, "thiếu óc tổ chức”. Vì thế, Người yêu cầu: "Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”. Đặc biệt, người lãnh đạo phải biết "dụng nhân như dụng mộc”, tức là biết loại bỏ cán bộ hư hỏng như người thợ lành nghề biết loại bỏ gỗ mục, biết đặt con người vào đúng sở trường, biết kết hợp các loại cán bộ để họ bổ trợ cho nhau. Khi người lãnh đạo biết đặt người lao động vào vị trí "đắc địa” và biết động viên họ tự giác làm việc thì bộ máy dù gọn nhẹ nhưng vẫn hoạt động hiệu quả.
Đẩy lùi căn bệnh tư túng, bè phái, địa phương chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ có chức, có quyền: Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, BMHC "phình to” chủ yếu là do một số cán bộ có chức, có quyền đã tìm mọi cách "đem người tư làm việc công”. Căn bệnh địa phương chủ nghĩa cũng gây khó khăn cho công tác cán bộ vì cán bộ mắc căn bệnh này chỉ chăm chú đến lợi ích của địa phương mình. Tùy hoàn cảnh mà họ muốn giữ lại cán bộ tốt cho địa phương mình hoặc không chịu tinh giản biên chế ở đơn vị mình, gây cản trở cho sự điều tiết cán bộ trong toàn hệ thống. Nếu không đẩy lùi những căn bệnh này trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo thì BMHC sẽ ngày càng đông mà không mạnh.
Sử dụng đội ngũ trí thức làm công tác tư vấn về những vấn đề mà họ am tường: Nhờ chủ trương đúng đắn này mà Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu tuy gọn nhẹ mà làm được rất nhiều việc…
Phát huy vai trò của cơ quan Thanh tra Chính phủ: Cho rằng cơ quan thanh tra là bộ phận không thể thiếu trong bộ máy Chính phủ, nhiệm vụ của thanh tra không chỉ là chống tham ô, lãng phí mà còn chống quan liêu - căn bệnh làm cho BMHC trở nên cồng kềnh, yếu kém, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Ban Thanh tra quy chế đặc biệt là "tiên hành, hậu thuyết”, tức là có quyền "đình chức, bắt giam bất cứ nhân viên nào trong UBND hay của Chính phủ đã phạm lỗi rồi báo cáo Hội đồng Chính phủ sau”. Người còn yêu cầu lãnh đạo các cấp tuyệt đối không được thao túng công tác thanh tra mà phải hợp tác để cán bộ thanh tra hoàn thành chức trách của mình. Nhờ đó, những căn bệnh "cố hữu” của Nhà nước phần nào được ngăn chặn.
Như vậy, khi BMHC ở nước ta vẫn trong giai đoạn phải bổ sung và phát triển, khi đội ngũ cán bộ vẫn còn ít về số lượng và khá tốt về đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy nguy cơ "phình đại” của BMHC quan liêu. Tiên lượng rõ cái thừa khi đang còn thiếu, cái xấu khi đang còn tốt, tìm ra cách thức ngăn chặn những căn bệnh còn trong giai đoạn manh nha... tất cả đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, sự nhạy cảm chính trị, tính quyết đoán trong công tác tổ chức và tấm lòng vì dân, vì nước của Người.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc giải quyết vấn đề tinh giản biên chế ở nước ta hiện nay
Kế thừa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta nhiều lần đề ra chủ trương sắp xếp, kiện toàn hệ thống chính trị gắn với việc tinh giản biên chế. Tuy nhiên, kết quả trên thực tế đã ngược lại với mong muốn khi càng tinh giản thì bộ máy càng "phình to”… Nhận rõ tính cấp thiết của công tác tinh gọn bộ máy, ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Nghị quyết số 39 về "Tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC” với mục tiêu đến năm 2021, phải giảm tối thiểu 10% biên chế trong toàn hệ thống (tương ứng với mỗi năm phải giảm khoảng 40.000 người). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII cũng khẳng định quyết tâm của Đảng trong việc "tinh giản biên chế trong toàn bộ hệ thống chính trị”. Tuy nhiên, cho đến nay, con số biên chế giảm đạt được vẫn rất khiêm tốn và chủ yếu do cán bộ nghỉ hưu trước tuổi chứ không phải do việc cơ cấu, tinh lọc lại bộ máy.
Tinh gọn BMHC, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, VC nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức CT- XH, đáp ứng được yêu cầu CNh – HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, cần thấu triệt và thực hiện đúng tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh gọn BMHC theo những cách thức giải quyết vấn đề sau:
Thứ nhất, phải nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị về sự cần thiết phải tinh giản biên chế để tạo sự đồng thuận và quyết tâm hành động.
Thứ hai, phải nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ và kiên trì thực hiện đề án mô tả việc làm để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và chuẩn hóa các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức để làm cơ sở cho việc tinh giản biên chế.
Thứ tư, tích cực chống tham nhũng để diệt trừ động cơ vụ lợi trong "cuộc chiến” biên chế.
Ngoài các giải pháp cơ bản trên, để kế hoạch, mục tiêu tinh giản biên chế hiệu quả, thiết thực, cần tiến hành thu gọn một số đầu mối, cơ quan chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của BMHC Nhà nước và hệ thống Đảng, các tổ chức CT - XH; tiến hành thử nghiệm nhất thể hóa một số chức danh của người đứng đầu; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và xã hội hóa một số dịch vụ công theo phương châm "việc gì người dân làm được thì Nhà nước không làm”, Nhà nước chỉ làm chức năng quản lý vào tạo dựng cơ sở pháp lý mà thôi; nhanh chóng áp dụng CNTT vào công tác quản lý hành chính, tiến tới xây dựng "chính phủ điện tử”; làm tốt công tác thanh tra và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân...
Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế không chỉ nhằm mục tiêu "giảm cơ học” để giảm chi ngân sách mà còn để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề rất lớn, rất khó vì nó không đơn giản là công ăn việc làm của mấy triệu CB, CC mà là sự vận hành của cả hệ thống chính trị, không chỉ là số phận của những người công chức mà gắn theo đó là cuộc sống của từng ấy gia đình, nó không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là đạo đức công vụ, sự tín nhiệm của nhân dân... Hơn nữa, do vấn đề đã được đặt ra từ lâu mà vẫn chưa giải quyết được nên bây giờ quy mô phải tinh giản là rất lớn, trong khi độ "nhờn” chính sách lại rất cao. Để hoàn thành nhiệm vụ vô cùng khó khăn đó, Đảng và Nhà nước phải thi hành đồng bộ nhiều giải pháp nhưng quan trọng nhất là phải đẩy lùi tiêu cực trong công tác cán bộ. Nếu không ngăn chặn được sự "tự tư tự lợi” và "chủ nghĩa vị thân” của những cán bộ có chức có quyền, không khơi được trong họ tinh thần "dĩ công vi thượng” thì mọi quy trình, lộ trình tinh giản dù có công phu, hợp lý đến đâu, cuối cùng vẫn thất bại. Đó là chân lý mà chúng ta rút ra được từ tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về BMHC tinh gọn, hiệu quả. Vấn đề là chúng ta có đủ năng lực và quyết tâm vận dụng sáng tạo những chỉ huấn của Người vào tình hình thực tế hiện nay hay không mà thôi.