Tâm sự với anh, chúng tôi được biết: Năm 1978, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã lên đường nhập ngũ. Kết thúc đợt huấn luyện, anh trực tiếp cùng đồng đội tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới phía bắc và phía Tây Nam. Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương nặng. Đến năm 1982, anh phải xuất ngũ trở về địa phương. Anh đã lập gia đình và và sinh con. Lúc này, vợ chồng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do thiếu thốn về kinh tế và bệnh tình của anh lại thường xuyên tái phát.
Với bản lĩnh và ý chí của người lính năm xưa, anh quyết tâm không cam chịu đói nghèo. Anh đã cùng vợ lập kế hoạch để xây dựng và phát triển kinh tế bằng ý chí và nghị lực của mình. Nhận thấy cả xã chỉ có 2 chiếc máy phục vụ việc xay sát lúa, gạo cho bà con. Anh đã bàn với vợ vay mượn thêm từ anh em, bạn bè mua chiếc máy say xát, phục vụ bà con quanh vùng và để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, 2 vợ chồng anh đã làm thêm trên 3 nghìn m2 đất để trồng ngô, sắn, lúa phục vụ lương thực cho cả gia đình và phục vụ chăn nuôi. Bên cạnh đó, tận dụng diện tích đất vườn rộng, anh đã cải tạo trồng mía và cây ăn quả cho thu nhập cao. Nhờ đó, những năm trở lại đây, cuộc sống của gia đình anh đã được cải thiện, có của ăn, của để. Cũng nhờ kinh tế khá, anh đã giúp vốn để con trai mở thêm cửa hàng tạp hóa, buôn bán tại nhà vừa phục vụ bà con, vừa góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Anh cũng tiếp tục mở rộng trang trại nuôi lợn bán thịt, nuôi gà, vịt, ngan… Hiện trang trại của anh có trên 800 con gia cầm; 15 con trâu, bò. Hàng năm gia đình anh đều có xuất bán ra thị trường trên 2 tấn thịt lợn hơi. Bằng sự cần cù lao động và phát triển đúng hướng, mô hình kinh tế gia đình anh cho thu nhập ổn định hàng năm trên 200 triệu đồng.
Với những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, thương binh Vũ văn Chính không chỉ dừng lại ở việc phát triển kinh tế gia đình mà còn luôn tận tình chia sẻ, hướng dẫn cho những người dân địa phương về cách sản xuất sao cho phù hợp và mang lại hiệu quả cao. Anh còn tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng không lấy lãi để các hộ ông Bùi Văn Tần, xóm Đồng Bảng (xã Đông Lai), gia đình ông Bùi Văn Khoa, xóm Nhót (xã Thanh Hối) có điều kiện để mua máy say xát, phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Sự nỗ lực của anh đã được các cấp, các ngành, đồng đội ghi nhận. Mô hình kinh tế của thương binh Vũ Văn Chính là địa chỉ tin cậy của nhiều hội viên cựu chiến binh đến tham quan, học tập. Với anh, niềm vui bên trong gia đình là con cái thành đạt, bên ngoài là bà con đoàn kết, bản làng ngày càng đổi mới./.