NewsByCategory

DetailController

Quy hoạch Kinh tế - Xã hội

Thực hiện Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

01/03/2024 10:32
Ngày 27/02, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND thực hiện Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Mục tiêu chung: Đảm bảo ổn định nơi ở của nhân dân, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân, đảm bảo không còn hộ có nguy cơ tái đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo bằng mức bình quân chung của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề nông thôn. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong vùng theo tiêu chí nông thôn mới. Nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ cho hồ thủy điện Hòa Bình, bảo vệ môi trường sinh thái; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu cụ thể: Hoàn thành công tác di dân ra các điểm khu di dân tái định cư tập trung (khoảng 300 hộ) và ổn định dân cư xen ghép tại các xóm, bản thuộc các xã vùng hồ (khoảng 1.200 hộ). Phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa và áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng giảm giá thành sản phẩm. Phấn đấu tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ đạt từ 20% - 30% trong cơ cấu kinh tế các xã vùng hồ; tạo điều kiện để người dân tiếp cận được các dịch vụ sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 60% trong lao động xã hội, tăng tỷ lệ lao dộng được đào tạo tay nghề lên 40% trong nông thôn. Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển bền vững cho Nhân dân vùng hồ theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội cho Nhân dân vùng hồ ngang bằng với các khu vực khác trong tỉnh. Phát triển rừng phòng hộ kết hợp với rừng kinh tế nhằm nâng cao thu nhập của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao độ che phủ rừng đạt 60%.

Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án. Căn cứ vào Kế hoạch năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh để lập kế hoạch thực hiện chi tiết và triển khai thực hiện của đơn vị mình.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các dự án thuộc Đề án đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công và các quy định của Pháp luật có liên quan. Ngoài nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động cân đối, bố trí vốn từ nguồn ngân sách địa phương (nếu có) và huy động các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các mục tiêu của Đề án, phát huy hiệu quả của Đề án. Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành trong quá trình thực hiện Đề án, triển khai thi công xây dựng công trình đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện khó khăn vướng mắc, tiến độ giải ngân Đề án hàng quý trước ngày 20 tháng cuối của quý, báo cáo 6 tháng trước ngày 20 tháng 6, báo cáo năm trước ngày 20 tháng 12 và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Chương trình): Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành chỉ đạo tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giám sát các Chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với các chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn tổng hợp, đề xuất giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án; triển khai thực hiện đúng quy định của pháp luật, hoàn thành Đề án đúng Kế hoạch. Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng và năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ thì nghiên cứu đề xuất các giải pháp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Đề án) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

hoabinh.gov.vn