NewsByCategory

DetailController

Xây dựng Y tế

QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

04/10/2023 16:06
Ngày 09/06/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 977/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 243/2005/QĐ-TTg ngày 05/10/2006 về việc ban hành chương trình hành động của Chính Phủ thực hiện Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; số 122/QĐ-TTg ngày 16/1/2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình: Số 23/2011/QĐ-UBND ngày 31/10/2011 ban hành quy định về trình tự lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; số 2137/QĐ-UBND ngày 17/9/2013 về việc phê duyệt Đề cương, dự toán kinh phí dự án Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 24/TTr-SYT ngày 06/5/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (kèm theo bản chi tiết), với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu chung

Phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 theo hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, nâng cao chất lượng dân số góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phát triển mạng lưới y tế dự phòng có đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh gây ra.

- Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh, bảo đảm cho mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi với các dịch vụ có chất lượng tại các cơ sở y tế.

- Hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng.

- Phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc; chủ động cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị trường thuốc phòng bệnh và chữa bệnh cho nhân dân.

- Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng; bảo đảm trang thiết bị y tế thiết yếu và từng bước đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại cho hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

- Ổn định quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

- Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng nhằm từng bước khắc phục khó khăn về nhân lực cho các đơn vị y tế tuyến cơ sở nhất là các huyện vùng cao và các chuyên khoa đặc thù.

3. Các chỉ tiêu y tế cơ bản

- Số bác sỹ trên 1 vạn dân đạt khoảng 7,57 bác sỹ vào năm 2015 và đạt 8,5 bác sỹ vào năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 90% vào năm 2020.

- Số dược sỹ đại học trên 1 vạn dân đạt khoảng 0,6 dược sĩ vào năm 2015 và đạt 1,0 dược sỹ vào năm 2020.

- Số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt khoảng 23 giường vào năm 2015 và đạt 26 giường vào năm 2020.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1% vào năm 2015 và duy trì đến năm 2020.

- Giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi xuống 15‰ năm 2015 và xuống dưới 13‰ vào năm 2020.

- Giảm tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi xuống 16,5‰ năm 2015 và xuống dưới 16‰ vào năm 2020.

- Giảm tỷ số chết mẹ xuống dưới 42/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020.

- Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (thể nhẹ cân) xuống 18% năm 2015 và đạt khoảng 15,5% vào năm 2020.

- Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ duy trì trên 95% đến năm 2020.

- Tỷ lệ xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đạt 25% vào năm 2015 và đạt trên 50% vào năm 2020.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Mô hình tổ chức

Kiện toàn và phát triển tổ chức hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2020 và 2030, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao về số lượng cũng như về chất lượng.

Quy hoạch đến năm 2020

1.1. Tuyến tỉnh

Sở Y tế: Văn phòng Sở, Thanh tra Sở và các phòng chức năng: Phòng Tổ chức, Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Phòng Quản lý Dược, Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Kế hoạch -Tài chính.

Chi cục trực thuộc Sở: gồm 02 chi cục: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục An toàn thực phẩm.

Lĩnh vực Y tế dự phòng: Giai đoạn 2015 - 2020: Từng bước sắp xếp, lồng ghép các Trung tâm, giảm dần đầu mối ở tuyến tỉnh để tiến tới thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật vào giai đoạn sau năm 2020.

Mạng lưới khám chữa bệnh, phục hồi chức năng: Giai đoạn 2015 - 2020: gồm 5 bệnh viện với tổng số giường bệnh là 1.190; trong đó có Bệnh viện Sản - Nhi được thành lập mới.

Lĩnh vực Dược và trang thiết bị y tế tuyến tỉnh: Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có Công ty cổ phần và các công ty trách nhiệm hữu hạn dược và trang thiết bị y tế.

Lĩnh vực đào tạo: Trường Trung cấp Y tế Hòa Bình, đến năm 2020 được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Y tế Hòa Bình.

1.2. Tuyến huyện:

Phòng y tế trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, giúp việc cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về lĩnh vực quản lý y tế trên địa bàn.

Khối khám chữa bệnh: Giai đoạn 2015 - 2020: Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình chuyển đổi chức năng phát triển thành Bệnh viện Sản - Nhi với quy mô 150 giường bệnh.

Khối dự phòng: Đến sau năm 2020, tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động và khả năng cung cấp dịch vụ của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện mà có thể có 2 mô hình: Trung tâm y tế thực hiện chức năng dự phòng hoặc sáp nhập 2 đơn vị bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế dự phòng thành trung tâm y tế huyện thực hiện 2 chức năng khám, chữa bệnh và dự phòng.

Khối Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của 11 huyện, thành phố chuyển giao về trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.

1.3. Tuyến xã: Giai đoạn 2015 - 2020, chuyển giao trạm y tế xã thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố về trung tâm y tế dự phòng huyện quản lý.

1.4. Cơ sở y tế tại các doanh nghiệp, trường học: Được thành lập theo các quy định hiện hành.

1.5. Các cơ sở ngoài công lập: Khuyến khích phát triển mạng lưới ngoài công lập tăng cả về số lượng và quy mô các phòng khám tư, phòng khám đa khoa, bệnh viện tư, các cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn.

2. Phát triển nhân lực y tế

2.1. Về số lượng cán bộ y tế và cơ cấu theo các chức danh chuyên môn (Được xác định theo vị trí việc làm).

Đến năm 2020 tổng số cán bộ y tế là 4.903 người, so với năm 2014 cần bổ sung 1.092 cán bộ y tế, trong đó 178 bác sỹ, 46 dược sỹ đại học, 689 điều dưỡng và hộ sinh.

2.2. Về trình độ cán bộ y tế

Trình độ đại học trở lên: Đến năm 2020, số cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên là 1.470 người, đạt tỷ lệ 30% tổng số cán bộ y tế. Trong giai đoạn 2015 - 2020 cần đào tạo bổ sung 358 cán bộ có trình độ đại học và 244 cán bộ có trình độ sau đại học.

Trình độ dưới đại học: Trong giai đoạn 2015 - 2020 cần bổ sung 1.053 điều dưỡng, hộ sinh ở trình độ cao đẳng và trung học, nhằm đạt chỉ số về số điều dưỡng/bác sỹ trong các cơ sở điều trị của toàn ngành (đạt 3,0 điều dưỡng/bác sỹ).

3. Phát triển mạng lưới y tế dự phòng

3.1. Mạng lưới tổ chức

Tuyến tỉnh: Từng bước sắp xếp, lồng ghép các Trung tâm, giảm dần đầu mối ở tuyến tỉnh tiến tới thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong giai đoạn sau năm 2020.

Tuyến huyện: Giai đoạn 2015 - 2020: Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực để giai đoạn 2021 - 2030 sẽ sắp xếp lại mạng lưới dự phòng và khám chữa bệnh tuyến huyện theo các mô hình phù hợp (Trung tâm y tế thực hiện 2 chức năng hoặc Trung tâm y tế có chức năng dự phòng và bệnh viện đa khoa huyện).

3.3. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị

Tuyến tỉnh: Phấn đấu Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn 2015 - 2020.

Tuyến huyện: Giai đoạn 2015 - 2020: Tiếp tục đầu tư cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho 4 Trung tâm Y tế dự phòng huyện: Kỳ Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn và Thành phố

Tuyến xã: Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị của các trạm y tế, đảm bảo đến năm 2015, 25% các xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế và đạt >50% vào năm 2020, 100% vào năm 2030.

4. Phát triển mạng lưới khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hệ thống cấp cứu

- Đến năm 2020 toàn tỉnh có 14 bệnh viện (5 bệnh viện tuyến tỉnh và 9 bệnh viện tuyến huyện); Đến năm 2030, số bệnh viện tuyến tỉnh tăng lên là 11 bệnh viện.

- Tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân tăng từ 22 giường năm 2014 lên 26 giường vào năm 2020 và >30 giường vào năm 2030 (Trong đó có 1 giường bệnh của bệnh viện tư nhân vào năm 2020 và 1,2 giường bệnh của bệnh viện tư nhân vào năm 2030).

4.1. Mạng lưới các bệnh viện trong tỉnh

Tuyến tỉnh: Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng quy mô lên 800 giường bệnh và duy trì là bệnh viện hạng I trong giai đoạn 2015 - 2020. Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu nâng quy mô lên 150 giường bệnh trong giai đoạn 2015 - 2020, đạt hạng II. Bệnh viện Y học cổ truyền phát triển theo hướng là bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền, nâng lên hạng II trong giai đoạn 2015 - 2020. Bệnh viện Nội tiết nâng quy mô lên 70 giường bệnh trong giai đoạn 2015 - 2020. Dự kiến thành lập mới Bệnh viện Sản - Nhi với quy mô 150 giường bệnh trên cơ sở phát triển từ Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình. Giai đoạn 2021 - 2030 thành lập mới Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Lão khoa.

Tuyến huyện: Giai đoạn 2015 - 2020: từng bước đánh giá hiệu quả hoạt động của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và phòng khám đa khoa khu vực để đến giai đoạn 2021 - 2030 sẽ sắp xếp lại mạng lưới khám chữa bệnh tuyến huyện tùy thuộc vào năng lực cung cấp dịch vụ của các đơn vị trong thực tế.

Phát triển Phòng khám Đa khoa khu vực Cao Thắng, huyện Lương Sơn thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Cao Thắng.

Tuyến xã: Phấn đấu >50% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã vào năm 2020, tỷ lệ này đến năm 2030 là 100%.

Khu vực ngoài công lập: Phấn đấu đến năm 2020, có tối thiểu một dự án đầu tư xây dựng bệnh viện ngoài công lập tại Hòa Bình với quy mô 90 giường bệnh, nâng cấp lên 120 giường bệnh đến năm 2030.

4.2. Quy hoạch mạng lưới cấp cứu: Trong giai đoạn 2015 - 2020 khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dịch vụ vận chuyển cấp cứu bệnh nhân.

5. Phát triển mạng lưới An toàn thực phẩm

Tuyến tỉnh: Bố trí đủ biên chế cho Chi cục An toàn thực phẩm để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao và phát triển thành Trung tâm Quản lý, giám sát Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm vào sau năm 2020.

Tuyến huyện: Thành lập khoa An toàn thực phẩm huyện, thành phố trực thuộc trung tâm y tế có 04 - 06 biên chế/huyện trong giai đoạn 2015 - 2020.

Tuyến xã: Đến năm 2020, đảm bảo mỗi xã có 1 cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm.

6. Phát triển y dược cổ truyền

6.1. Mạng lưới các cơ sở y học cổ truyền công lập

Sở Y tế: Kiện toàn bộ phận quản lý y dược học cổ truyền của Sở Y tế thuộc phòng Nghiệp vụ Y phụ trách công tác quản lý nghiệp vụ và quản lý nhà nước về công tác y dược học cổ truyền.

Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh: Củng cố và nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực theo tiêu chuẩn của Bệnh viện hạng II.

Khoa YHCT của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện: 100% các bệnh viện có khoa y học cổ truyền với số giường bệnh dành cho y học cổ truyền/tổng số giường bệnh chung đạt tỷ lệ theo quy định.

Bộ phận khám chữa bệnh y học cổ truyền ở tuyến xã: 100% trạm y tế xã có khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

6.2. Các cơ sở y học cổ truyền ngoài công lập

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, các tổ chức nước ngoài đầu tư thành lập các loại hình khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

7. Phát triển lĩnh vực Dân số - Kế hoạch hóa gia đình

Giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ tăng dân số duy trì ở mức 1%. Quy mô dân số dự kiến đạt 891.546 người vào năm 2020 và 984.821 người vào năm 2030.

8. Phát triển mạng lưới sản xuất, kiểm nghiệm và phân phối thuốc

- Nâng cao năng lực của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh: Đến năm 2015 đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005.

- Nâng cao chất lượng của mạng lưới cung ứng thuốc: Duy trì tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thuốc đạt tiêu chuẩn GDP; tăng tỷ lệ nhà thuốc, quầy thuốc đạt GPP lên 100% năm 2016 và duy trì tỷ lệ này trong các năm tiếp theo.

- Sản xuất thuốc: Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn có ít nhất 01 nhà máy đạt GMP và 01 nhà máy sản xuất nguyên liệu, thuốc từ dược liệu; từng bước hình thành vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp dược tại huyện Đà Bắc, Lạc Thủy, Tân Lạc.

9. Phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế

9.1. Quy hoạch về cơ sở vật chất

Tuyến tỉnh: Giai đoạn 2015 - 2020 xây mới Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, xây mới các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh như Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Y học cổ truyền - giai đoạn II. Phát triển Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình thành Bệnh viện Sản - Nhi. Nâng cấp Trung tâm Y tế dự phòng và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản của tỉnh. Xây dựng trụ sở để nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Hòa Bình lên thành Trường Cao đẳng Y tế Hòa Bình.

Tuyến huyện: Tiếp tục đầu tư cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 5 trung tâm y tế huyện (Kỳ Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn, Lương Sơn, thành phố Hòa Bình).

9.2. Quy hoạch về trang thiết bị y tế

Đầu tư đủ trang thiết bị theo phân tuyến kỹ thuật và nhu cầu thực tế của các đơn vị trong hệ thống điều trị và dự phòng.

10. Tài chính y tế

- Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho y tế hàng năm từ 8% (năm 2014) lên 10% vào năm 2020 và 15% sau năm 2020.

- Phân bổ 30% ngân sách cho y tế dự phòng đến năm 2020.

- Tỷ lệ bao phủ của Bảo hiểm y tế toàn dân đạt >95% vào năm 2020.

11. Hệ thống thông tin y tế

- Đến năm 2016, 100% đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng các phần mềm chuyên ngành để báo cáo.

- Đến năm 2017:

+ 100% các đơn vị y tế có trang thông tin điện tử và được cấp phép hoạt động theo quy định.

+ 100% số bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện kê đơn thuốc điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện.

+ 100% các cơ sở y tế trên địa bàn tuân thủ thực hiện lập kế hoạch dựa trên bằng chứng.

- Đến năm 2018:

+ 100% văn bản lưu trữ được số hóa để có thể tìm kiếm, tra cứu qua mạng.

+ 100% số đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh bố trí 1% ngân sách đầu tư cho phát triển công nghệ thông tin.

- Đến năm 2020, hoàn thành việc triển khai hệ thống giao ban trực tuyến và hệ thống khám chữa bệnh y tế từ xa (Telemedicine).

12. Quản lý, điều hành hệ thống y tế

- Nâng cao năng lực hoạch định chính sách và lập kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách y tế.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách y tế.

- Kiện toàn mô hình tổ chức mạng lưới y tế các tuyến.

- Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và huy động sự tham gia của các bên liên quan.

13. Tầm nhìn đến năm 2030

Các cơ sở khám chữa bệnh và phục hồi chức năng tiếp tục được phát triển hợp lý về các chuyên khoa với quy mô phù hợp với đặc điểm về mô hình bệnh tật, về điều kiện tự nhiên và độ bao phủ về mạng lưới khám chữa bệnh trên địa bàn. 100% số bệnh viện chuyên khoa tỉnh đạt hạng II vào năm 2030, 100% số bệnh viện đa khoa huyện đạt hạng II vào năm 2030.

Lĩnh vực y tế dự phòng: Sau năm 2020 sẽ hợp nhất theo mô hình tổ chức Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tuyến tỉnh (CDC).

Mạng lưới y tế cơ sở: Tiếp tục được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phát triển nguồn nhân lực.

Các kế hoạch đầu tư cho hệ thống y tế của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030 kế thừa các kết quả của giai đoạn 2015 - 2020 và tuân thủ các quan điểm, định hướng của Đảng, các quy hoạch, kế hoạch của Chính phủ về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực y tế

1.1. Giải pháp về tổ chức và quản lý

Hoàn thiện tổ chức hệ thống y tế theo các quy hoạch chung và quy hoạch chuyên ngành đã được phê duyệt và các văn bản quy định về tổ chức bộ máy trong hệ thống y tế song cần phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

1.2. Phát triển nguồn nhân lực y tế

- Giải pháp về đổi mới công tác tổ chức cán bộ.

- Giải pháp về chế độ, chính sách.

- Đa dạng hóa loại hình đào tạo.

2. Giải pháp đầu tư và sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư cho y tế

- Tăng tỷ trọng các nguồn tài chính công cho y tế.

- Nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn đầu tư cho y tế.

- Tăng cường kiểm soát chi phí y tế.

- Các biện pháp huy động vốn đầu tư.

3. Giải pháp về quản lý nhà nước về y tế

- Nâng cao năng lực hoạch định chính sách và lập kế hoạch triển khai các chính sách y tế.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả theo dõi, giám sát thực hiện chính sách y tế.

4. Tăng cường cam kết chính trị và xã hội công tác y tế trên địa bàn

- Giải pháp về cơ chế, chính sách.

- Tăng cường vai trò lãnh đạo, tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Tăng cường hợp tác y tế với các địa phương trong vùng và quốc tế. Tranh thủ mọi sự hợp tác, hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật trong các lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao... từ các đối tác trong và ngoài nước.

5. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng

6. Giải pháp phát triển khoa học công nghệ

7. Kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện Quy hoạch

- Giai đoạn 2015 - 2020: Tổng đầu tư cho việc thực hiện Quy hoạch là 2.155,829 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn sau:

- Kinh phí huy động từ nguồn ngân sách địa phương: 215 tỷ đồng.

- Kinh phí huy động từ nguồn ngân sách trung ương: 647 tỷ đồng (Chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn đầu tư có mục tiêu, nguồn quân dân y kết hợp).

- Kinh phí huy động từ các tổ chức quốc tế, nguồn vốn vay ODA: 1.078 tỷ đồng.

- Kinh phí huy động từ xã hội hóa: 216 tỷ đồng.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Là cơ quan quản lý quy hoạch, thường trực và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công tác thực hiện quy hoạch. Nhiệm vụ cụ thể đối với quy hoạch bao gồm:

- Tổ chức hội nghị công bố quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để các tổ chức, cá nhân biết và tham gia thực hiện quy hoạch.

- Thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, tổng hợp, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với quy hoạch theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt các đề án, dự án mới về phát triển y tế ở từng lĩnh vực.

- Tổng hợp xây dựng dự toán kinh phí đầu tư hằng năm của các đơn vị y tế, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng phương án phân bổ nguồn kinh phí trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Chủ trì và phối hợp với Sở Y tế trong việc xây dựng kế hoạch và cân đối, bố trí mức vốn đầu tư hằng năm từ nguồn ngân sách cấp cho ngành y tế thực hiện quy hoạch.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Tham mưu cho UBND các cấp ưu tiên bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, thực hiện các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp với điều kiện lao động đặc thù của nhân viên y tế.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp cùng Sở Y tế triển khai hoạt động công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Tổ chức tuyển chọn, đánh giá và phối hợp với Sở Y tế tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt để triển khai các đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

Kiện toàn và củng cố mạng lưới y tế trường học; tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, giáo viên trong các cấp bậc học và người dân trong cộng đồng.

8. Các Sở, ban, ngành liên quan khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành phối hợp với Sở Y tế trong việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án của ngành gắn với công tác y tế để phát huy hiệu quả tổng hợp.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng mới theo quy hoạch và có biện pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư cho các cơ sở y tế trên địa bàn.

Điều 2Quyết định này có hiệu lực kể ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ; Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
- UBND tỉnh;
- Chánh, Phó Chánh VP/UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX (T°35b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Cửu