Cùng với đó, công tác nghiên cứu lý luận được triển khai dưới nhiều hình thức, thông qua nghiên cứu các đề tài khoa học, tổ chức các hội thảo khoa học, nghiên cứu triển khai thực hiện các đề án, dự án, sáng kiến kinh nghiệm,… Từ đó, nhiều nghiên cứu, xây dựng cơ sở lý luận cho việc hoạch định các chủ trương lớn của tỉnh, địa phương, góp phần đề xuất chính sách thực hiện quy hoạch, chiến lược phát triển tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và các quy hoạch, đề án của tỉnh, ngành, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tập trung chú trọng triển khai các đề tài nghiên cứu theo hướng chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến phù hợp mô hình phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của tỉnh. Sản phẩm nghiên cứu là luận cứ khoa học được tổng kết từ thực tiễn góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp trong các nhiệm kỳ tiếp theo; nhiều mô hình mới, giải pháp mới, cách làm hay, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực được thực hiện, ứng dụng rộng rãi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời làm rõ, bổ sung, hoàn thiện cho công tác lý luận. Trong 5 năm thực hiện đã có trên 90 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc các lĩnh vực; trong đó có 32 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn và rất nhiều công trình lịch sử đảng bộ các cấp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu tổ chức nhiều Hội thảo khoa học, nhằm đánh giá những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, từ đó rút ra những kinh nghiệm, bài học bổ ích cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới ở tỉnh như: Hội thảo về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Hòa Bình từ khi tái lập tỉnh năm 1991; Hội thảo về vấn đề chủ trương thành lập tổ hợp tác năm 1993; Hội thảo tổng kết việc “tổ chức khoán sản phẩm trong nông nghiệp tại 2 xã Sào Báy và Đú Sáng (Kim Bôi) những năm 1970-1974”, thêm một khẳng định có căn cứ khoa học không chỉ Vĩnh Phúc, Hải Phòng có “khoán chui” mà từ thực tiễn, ở cơ sở của tỉnh Hòa Bình cũng đã mạnh dạn, sáng tạo “khoán chui”, góp phần có thêm căn cứ thực tiễn để Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định đề ra đường lối khoán sản phẩm trong nông nghiệp năm 1981 (Chỉ thị 100) và năm 1987 (Nghị quyết 10); Hội thảo khoa học “90 năm thế giới công nhận nền Văn hóa Hòa Bình 1932-2022” nhằm khẳng định, tuyên truyền, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của nền Văn hóa Hòa Bình, một nền văn minh trong lịch sử nhân loại, sự tiếp nối của bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong dòng chảy của lịch sử; sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách “Bác Hồ với tỉnh Hòa Bình”. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Đề án số 14-ĐA/TU về sưu tầm, biên soạn, xuất bản bộ sách “Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020”. Bộ sách được nghiên cứu và xuất bản sẽ là công trình đầu tiên phản ánh một cách khách quan, toàn diện và hệ thống lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020 trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như những đóng góp của Nhân dân các dân tộc Hòa Bình trong quá trình dựng nước, giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy kho tàng tư liệu quý giá về vùng đất và con người Hòa Bình, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bên cạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, truyền thông, công tác tuyên truyền trên mạng xã hội cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo 35 các cấp đã triển khai việc tạo lập các trang, nhóm trên mạng xã hội để để đăng tải, lan tỏa các thông tin tích cực, chính thống của các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước định hướng dư luận, đấu tranh phản bác thông tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ nhất là liên quan đến các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của địa phương. Hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh, cấp huyện khá tích cực, đã góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, cơ hội chính trị, phản động trên không gian mạng; nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong tình hình mới; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.