Gặp Lượng, ấn tượng đầu tiên là vẻ bề ngoài hầm hố của dân công trình, điện thoại liên tục đổ chuông trong khi trò chuyện. Tuy nhiên, qua trao đổi mới biết, đối với Lượng, điện thoại là thứ cậu không thể bỏ quên bởi các đầu mối nhận hàng có thể gọi đến bất cứ lúc nào yêu cầu giao cá. Nhìn Lượng liên tục nghe điện thoại, vừa thao tác trên máy tính xách tay, tôi nghĩ đến hình ảnh của những thanh niên khởi nghiệp thế hệ mới, những thanh niên quản lý dựa trên điện thoại thông minh và giao dịch công việc qua mạng xã hội. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, như Lượng nói: "Tôi đã mất cả một quá trình trải nghiệm, bao gồm cả thành công lẫn thất bại”.
Lượng bén duyên với nghề nuôi cá lồng và con cá tầm một cách rất đặc biệt. Theo như Lượng nói, đó có lẽ là cái duyên, bởi một kỹ sư xây dựng chỉ quen với việc đi công trình, chưa từng biết gì về cá chứ đừng nói đến việc nuôi một loại cá khó tính như cá tầm. Vậy mà khi có cơ hội được thăm quan nhà lồng của một người bạn, Lượng sẵn sàng bỏ cả ngày chỉ để quanh quẩn xem những chú cá sinh trưởng và phát triển ra sao. Chính vì vậy, khi có cơ hội sở hữu một nhà bè với 9 lồng cá tại xã Hiền Lương, lập tức Lượng đã rủ một người bạn cùng bỏ vốn đầu tư nuôi cá tầm.
Tâm huyết với con cá lòng hồ nhưng để làm sao đưa được sản phẩm ra thị trường là điều Lượng luôn trăn trở. Với những kinh nghiệm đã từng làm thị trường, Lượng nghĩ, để các nhà hàng biết đến sản phẩm của mình, trước tiên bản thân mình phải am hiểu về sản phẩm. Chính vì vậy, từ khâu nuôi cá làm sao, cách chế biến như thế nào để sản phẩm ngon nhất cũng được Lượng dày công nghiên cứu, học hỏi. Không chỉ biết về lý thuyết, Lượng còn trực tiếp làm. Tự tin với sản phẩm của mình, Lượng đã chủ động mời một số chủ nhà hàng lớn trên địa bàn thành phố dùng thử sản phẩm. Mạnh dạn tiếp cận thị trường, chủ động đổi mới quản lý. Tất cả các khâu từ nhận đơn hàng, cân cá, giao hàng cho khách đều được cập nhật lên hệ thống dữ liệu quản lý riêng. Vừa thuận lợi trong quản lý, vừa đảm bảo độ tin cậy với khách hàng. Chính cách làm ăn mạnh dạn, thẳng thắn đã giúp Lượng dần tìm được thị trường cho con cá tầm và các loại cá lồng đặc sản sông Đà.
Tuy nhiên, trong một thị trường "thượng vàng hạ cám” lẫn lộn, những sản phẩm sạch làm sao để cạnh tranh với các sản phẩm khác luôn là bài toán đau đầu đối với nhà cung cấp dịch vụ. Đã có lần, sản phẩm của Lượng bị đánh bật khỏi những khách hàng truyền thống vì cạnh tranh giá cả. Tuy nhiên, với phương châm chất lượng và uy tín, Lượng vạch ra những ưu đãi của mình như được cung cấp cá đảm bảo chất lượng, tươi ngon, đủ trọng lượng, được đổi hàng, Lượng đã giành được những lợi thế nhất định trên thị trường. Không chỉ chú tâm vào thị trường trong tỉnh, Lượng còn giới thiệu sản phẩm của mình trên trang mạng xã hội để quảng bá thương hiệu và áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến. Chính vì vậy hiện nay, Lượng là nhà cung cấp nguồn thực phẩm chính về cá đặc sản cho nhiều nhà hàng trên thị trường Hòa Bình và một số tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An… Trung bình mỗi tháng, Lượng bán ra thị trường trên 1 tạ cá với giá trung bình 200.000 đồng/kg, nhóm của Lượng thu về 20 -30 triệu đồng/tháng.
Thành công bước đầu không cho phép chàng trai trẻ dừng lại. Lượng nghĩ, lòng hồ là một lợi thế của người dân Hòa Bình. Tuy nhiên, với việc mỗi nhà lồng mạnh ai nấy làm, thị trường ai nấy kiếm như hiện nay, chỉ có thể làm ăn nhỏ lẻ và đôi khi chính người nông dân lại bị ép giá. Vì vậy, Lượng luôn trăn trở về một dự án làm sao các nhà lồng có thể cùng nhau liên kết thành một hiệp hội và có thể cam kết về chất lượng cá đảm bảo. Như vậy, con cá tầm, đặc sản vùng lòng hồ mới có thể khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân.