Cách đây hơn 6 năm, nhận thấy đất ruộng, đất đồi của gia đình có nhiều nhưng hoang hóa và manh mún, anh đã thuyết phục để gia đình đồng ý đem những mảnh ruộng, khoảnh đất manh mún đó đổi lấy những thửa, mảnh liền kề tạo thành dải liền thổ với diện tích đã đổi gần 2 ha. Có ruộng, đất làm vốn liếng bước đầu trên đường lập nghiệp, anh miệt mài đêm, ngày cải tạo ruộng đất, tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng tìm ra những loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, không đầu tư nhiều lại có thể “lấy ngắn, nuôi dài”. Anh nghĩ đến cây bương có thể trồng trên diện tích đất đồi còn đất ruộng trước hết vẫn phải ưu tiên cho cấy lúa để ổn định lương thực. Nghĩ là làm, anh bắt đầu tìm hiểu thông tin qua sách, báo, đến gặp các hộ có bương trong vùng đặt vấn đề xin giống, vừa dọn dẹp lau lách, đào hố trồng cho kịp thời vụ.
Quá trình tích cực lao động, sản xuất, đến nay, gia đình anh Miền đã thoát nghèo, trở thành hộ kinh tế khá với nguồn thu đa dạng. Hàng năm, anh thu 8 - 10 triệu đồng từ măng, bương, 30 triệu đồng từ nuôi 6 lợn sinh sản, 125 triệu đồng từ xuất 3 tấn lợn thịt, 20 triệu đồng từ trồng ngô, lúa, 25 triệu đồng từ trồng bí đỏ lấy hạt, mướp đắng. Tổng thu nhập của gia đình đạt 240 triệu đồng, trừ chi phí còn cho lãi 140 triệu đồng / năm. Cá nhân anh cho rằng, kết quả lao động mà gia đình anh hiện có tuy còn khiêm tốn so với các mô hình phát triển kinh tế ở những nơi nhiều thuận lợi nhưng anh rất phấn khởi bởi với nỗ lực bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, đồng thời định hướng cho các hộ khác làm theo góp phần cùng với xã xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM.