Theo đó, ngày 30/8/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2023/NĐ-CP về Công tác xã hội. Nghị định này quy định quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội; điều kiện đăng ký hành nghề công tác xã hội; thực hành nghề công tác xã hội; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.
Nghị định này áp dụng đối với người làm công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội; cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân); cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác xã hội tại Việt Nam.
Công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc của công tác xã hội: Tôn trọng và phát huy quyền lựa chọn, quyền quyết định mà không phân biệt giá trị, niềm tin, tư tưởng và cuộc sống của đối tượng và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng bằng cách giúp đối tượng tự quyết định và giải quyết các vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống. Tập trung vào điểm mạnh, tận dụng các nguồn lực sẵn có của đối tượng để thúc đẩy việc trao quyền. Chịu trách nhiệm đối với các hoạt động nghề nghiệp công tác xã hội, bảo đảm đối tượng được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp và chất lượng. Thúc đẩy công bằng xã hội, bảo đảm cung cấp nguồn lực một cách công bằng, minh bạch theo nhu cầu của đối tượng. Tôn trọng sự đa dạng, không phân biệt đối xử về khả năng, tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, tình trạng kinh tế - xã hội, màu da, chủng tộc, vùng miền, quốc tịch, quan điểm chính trị, tín ngưỡng tôn giáo và các đặc điểm sức khỏe của đối tượng. Bảo đảm mọi quyết định đưa ra vì lợi ích tốt nhất của đối tượng.
Chính sách của Nhà nước về công tác xã hội: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội. Phát triển nguồn nhân lực công tác xã hội, nhất là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Các hành vi bị nghiêm cấm: Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật. Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân. Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thoả thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân./.