DetailController

Chỉ đạo điều hành

Kết luận của Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình ban hành tại Hội nghị ngày 07/10/2024

14/10/2024 15:43
Ngày 11/10, Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình ban hành Kết luận số 01-KL/BCĐ tại Hội nghị ngày 07/10/2024.

Theo đó, ngày 07/10/2024, Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình họp, cho ý kiến vào các nội dung: Báo cáo kết quả thực hiện phong trào "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" cho người nghèo; công tác chuẩn bị tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày, đêm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình. Sau khi nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo và ý kiến phát biểu của đại biểu dự hội nghị, Ban Chỉ đạo thống nhất kết luận như sau:

Chương trình xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn, thể hiện ý nghĩa nhân văn của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc xây dựng đất nước. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện tinh thần "tương thân tương ái”, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ Nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 9,2% (theo tiêu chí mới), còn khoảng 6.362 căn nhà tạm, dột nát cần xây mới, sửa chữa. Hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể thực hiện tốt một số nội dung sau:

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Huy động nguồn lực xã hội hóa, kết hợp với nguồn lực của Nhà nước và sự cố gắng từ chính các hộ gia đình,… để chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu thực hiện hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong năm 2025. Đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương, đồng thời phân nhóm các địa phương và có cơ chế để các địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn hơn thực hiện Chương trình.

Quán triệt phương châm "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, Nhân dân làm chủ”, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ trên tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương; xây mới, sửa chữa nhà đảm bảo tiêu chí 3 cứng: "nền cứng, tường cứng, mái cứng”, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng địa phương và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ gia đình.

Đề nghị Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn, thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương phù hợp với tình hình cụ thể (huyện, xã) do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Chủ tịch UBND và Chủ tịch Ủy ban MTTQ cùng cấp làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo là một số đồng chí trưởng ngành, lĩnh vực, đoàn thể cùng cấp. Ở phố, thôn, xóm thành lập các Tổ công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát do đồng chí Bí thư Chi bộ làm Tổ trưởng; đồng chí Trưởng thôn và đồng chí Trưởng Ban Công tác Mặt trận làm Tổ phó; Trưởng các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội làm thành viên.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo: Chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tham mưu: Xây dựng Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, tổ chức thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình; xây dựng Quy chế hoạt động Ban Chỉ đạo; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp số lượng nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Trong đó thống kê, lập danh sách cụ thể các hộ cần hỗ trợ để xóa nhà tạm, nhà dột nát; các hộ đang được hỗ trợ từ các nguồn (các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách tỉnh, nguồn xã hội hóa…); phân công cụ thể các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện, thành phố, các đồng chí lãnh đạo cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi xã, phường, thị trấn tham gia theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện; giao tiến độ cụ thể đối với việc xây dựng mới, sửa chữa của từng nhà. Tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm 450 ngày, đêm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo tỉnh Hòa Bình đảm bảo ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả./.