Chính phủ vừa ban hành Nghị định 14/2012/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/2/2012 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Mục I Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.Theo đó, thay vì hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,25 hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội, TP.HCM) sẽ được hưởng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,3.Đối với các chức danh lãnh đạo từ Cục trưởng trở xuống thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,15 - 1,0. Bộ Tư pháp quy định cụ thể sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ cho biết, việc quy định khung phụ cấp chức vụ lãnh đạo từ 0,15 đến 1,0 đối với các chức danh lãnh đạo từ Cục trưởng trở xuống thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự để phù hợp với mô hình tổ chức của Tổng cục thuộc Bộ và cân đối tương quan với phụ cấp chức vụ lãnh đạo của một số cơ quan khác tương đương như Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. Về chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu, theo quy định hiện hành tại Điểm b Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thì: Cán bộ, công chức, viên chức đã có thông báo nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước, hoàn thành nhiệm vụ được giao, chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và chưa đủ điều kiện thời gian giữ bậc để được nâng bậc lương thường xuyên tại thời điểm có thông báo nghỉ hưu, thì được nâng một bậc lương trước thời hạn tối đa là 12 tháng so với thời gian quy định. Tại Nghị định 14/2012/NĐ-CP mới ban hành, quy định trên được sửa đổi cụ thể là nâng bậc lương trước thời hạn 12 tháng. Quy định mới (Nghị định 14/2012/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2012. Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo quy định trên được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2011.
2. Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 16/2012/QĐ-TTg quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Theo đó, đối tượng được tham gia đấu giá là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông. Doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được phân bổ một khối băng tần, một hoặc một số kênh tần số. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định giá khởi điểm của khối băng tần, kênh tần số được đấu giá. Tiền đặt trước của doanh nghiệp tham gia đấu giá được quy định tối đa không quá 15% giá khởi điểm. Doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp 50% số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 90 ngày, 25% số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 18 tháng và 25% số tiền trúng đấu giá còn lại trong thời hạn từ 19 đến 36 tháng vào tài khoản do Bộ Thông tin & Truyền thông chỉ định, kể từ ngày Bộ Thông tin & Truyền thông công bố kết quả đấu giá. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1-5.
Theo nghị định 18/2012/NĐ-CP vừa được Thủ tướng ban hành, quy định về việc lập, quản lý và sử dụng quỹ bảo trì đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-6, các loại ôtô, xe máy sẽ phải đóng phí này. Ông Nguyễn Văn Quyền, phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng mức phí thu cho từng loại phương tiện và tuần sau ban hành mức thu, cách tổ chức thu cụ thể. Theo đó, ôtô sẽ được thu qua kỳ đăng kiểm, xe máy giao cho địa phương thu.Trước đó, trong dự thảo trình Thủ tướng về quỹ bảo trì đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất mức thu phí ôtô theo bảy nhóm. Mức thấp nhất đối với ôtô dưới 12 ghế, xe tải dưới 2 tấn là 180.000 đồng/tháng; mức cao nhất đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet là 1,44 triệu đồng/tháng. Đối với môtô, xe gắn máy mức thu 80.000-120.000 đồng/năm (tùy theo dung tích xilanh). Số phí thu được theo phương án này là 5.987 tỉ đồng/năm và ngân sách nhà nước bổ sung 6.312 tỉ đồng/năm để đảm bảo nhu cầu bảo trì, sửa chữa đường bộ. Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu thực hiện cách thu này sẽ bỏ hết các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước trên quốc lộ, chỉ giữ lại các trạm BOT. Tuy nhiên, theo Vụ Chính sách thuế, quan điểm của Bộ Tài chính là sẽ cân nhắc trên cơ sở làm sao mức thu phí không quá cao trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, gây khó khăn cho người dân mà vẫn đảm bảo nguồn để bảo trì đường sá.