Công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, Chính phủ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được triển khai mạnh mẽ góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức các ban, sở, ngành và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn về mục đích, tác dụng của cách mạng công nghiệp 4.0 dần đưa công nghệ hiện đại, tiên tiến vào cuộc sống.
Năm 2023, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính phủ số trong các cơ quan đảng, nhà nước đã có tiến triển và đạt được một số kết quả khả quan so với kế hoạch đề ra; các ban, sở, ngành, đoàn thể chính tri – xã hội, huyện ủy, thành ủy, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã quan tâm đầu tư và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hiện đại hóa nền hành chính, tạo điều kiện quan trọng để Hòa Bình có chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index), đạt mức trung bình của cả nước. Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ được đẩy mạnh để tiếp cận được các công nghệ tiên tiến trên thế giới, việc hỗ trợ đổi mới công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được tăng cường để từng bước đáp ứng được các yêu cầu về tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hạ tầng viễn thông được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các đơn vị đã được đầu tư và phát triển theo đúng định hướng và quy hoạch; chú trọng tăng cường số lượng và chất lượng nguồn lực công nghệ thông tin để triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan Nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình gồm 01 HOST lắp đặt tại thành phố Hòa Bình với 25 tổng đài chuyển mạch cố định; 05 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định với hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile); các nhà mạng đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95,8% (151/151 xã, phường, thị trấn có đặt trạm BTS để phủ sóng thông tin di động). Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên 900.000 thuê bao; thuê bao băng rộng cố định trên 120 nghìn thuê bao; xây dựng mới nhiều tuyến cáp quang, nâng số cáp quang toàn tỉnh lên trên 9.000 km cáp.
Đến nay, 100% các các cơ quan Đảng, đoàn thể và cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 183 điểm, trong đó, có 32 điểm tại các ban, sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và 151 điểm tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị (Văn phòng Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) có Trung tâm dữ liệu nhỏ có từ 03-10 máy chủ để cài đặt các phầm mềm, CSDL chuyên ngành.
Các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì, cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hoà Bình, phiên bản 2.0 phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo định hướng phát triển Chính phủ điện tử/Chính phủ số. Tỉnh Hoà Bình đã triển khai thí điểm Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân dân tỉnh (IOC): Trung tâm IOC cập nhật số liệu theo thời gian thực từ các nền tảng số qua đó phân tích số liệu, theo dõi, so sánh số liệu của các huyện, thành phố, các sở, ngành để kịp thời chỉ đạo điều hành.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia. Đến hết năm 2023, theo dõi trên toàn hệ thống phần mềm có 361.938 văn bản đến, 89.497 văn bản đi được cập nhật, xử lý và trao đổi trên môi trường mạng giữa các cơ quan, đơn vị.
Kết quả ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại đã cấp được 6.169 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân, trong đó: 1.067 chứng thư số cho tổ chức; 5.099 chữ ký số cho cá nhân. Theo đó, 100% các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã sử dụng chữ ký số của tổ chức và cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh là trên 13.000 tài khoản. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong trao đổi công việc đạt trên 50%.
Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh tiếp tục vận hành hiệu quả để các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện quy trình về soạn thảo, trình duyệt và gửi chế độ báo cáo định kỳ tới cơ quan tiếp nhận, tổng hợp. Quý III năm 2023, có 13/19 Sở, Ban, ngành, 10/10 UBND cấp huyện đã thực hiện quy trình về soạn thảo, trình duyệt và gửi chế độ báo cáo định kỳ tới cơ quan tiếp nhận, tổng hợp. Hệ thống phòng họp không giấy tờ của UBND tỉnh đã được triển khai để tổ chức các cuộc họp Ủy ban nhân dân tỉnh từ quý III năm 2021, đảm bảo mục tiêu phục vụ tốt công tác triển khai cuộc họp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, giúp hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Hiện tại 100% các ban, sở, ngành, các huyện, thành phố đã được trang bị các thiết bị tường lửa tối thiểu, cài đặt phần mềm diệt virus cho các máy tính cá nhân, phối hợp tốt, chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách an toàn thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, cảnh báo, ứng cứu sự cố an toàn thông tin. Đến nay, các sự cố đều được khắc phục, ngăn chặn kịp thời, không có trường hợp sự cố nghiêm trọng nào xảy ra đối với các hệ thống thông tin của tỉnh.
90% cán bộ và doanh nghiệp nhận thức được lợi ích ứng dụng thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử. Tham gia quảng bá giới thiệu sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu trên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh Hòa Bình hoabinhtrade.gov.vn và Gian hàng Việt trực tuyến” trên 3 Sàn thương mại điện tử như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sàn Postmart.vn; Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel sàn voso.vn; Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ - thuộc Tập đoàn FPT sendo.vn và các chương trình xúc tiến thương mại khác.
Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17/4/2020 của Chính phủ, Chương trình hành động số 33-CTr/TU, ngày 10/7/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xây dựng cơ chế chính sách, phát triển các ngành công nghệ ưu tiên; phát triển hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực; chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan nhà nước, địa phương, đơn vị trong tỉnh; Sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương, chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa thành tựu của cuộc CMCN 4.0 để phát triển kinh tế - xã hội; tập trung nghiên cứu nội hàm, phương thức vận hành cũng như tác động của CMCN 4.0 đối với kinh tế - xã hội để từ đó có định hướng nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với các ngành, lĩnh vực./.